Đại dịch Covid-19 đã khiến giá cổ phiếu trên toàn thế giới sụt giảm, đặc biệt là cổ phiếu các công ty công nghệ quan trọng. Một số hãng công nghệ châu Âu trong lĩnh vực chiến lược, như viễn thông hoặc bán dẫn, đã không tránh khỏi những cú đánh trực tiếp. Cụ thể, giá cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị mạng Phần Lan Nokia giảm hơn 9,6% kể từ đầu năm đến nay, đối thủ Ericsson giảm 2%. Trong khi đó, mức giảm này đối với hai hãng chip Infineon và STMicro lần lượt là 20% và 7,5%.
Một nhà phân tích cho rằng, các công ty công nghệ chủ chốt của châu Âu là đối tượng “dễ bị tổn thương” và có thể sẽ kéo cả thị trường đi xuống. Tuy nhiên, một chính trị gia hàng đầu ở Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực nên tham gia hỗ trợ những hãng công nghệ đang gặp khó trong tình cảnh hiện tại để ngăn chặn sự tiếp quản của Trung Quốc.
“Châu Âu dễ bị tổn thương vì nơi này đang tụt lại so với Mỹ và Trung Quốc cả về tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Trung Quốc từ lâu áp dụng chính sách “mua thì nhanh hơn là xây dựng” để tăng tốc trên con đường phát triển và tôi chắc chắn rằng sự gián đoạn gần đây, cùng với giá trị thị trường thấp hơn có thể mang lại cơ hội cho Trung Quốc”, Neil Campling, người đứng đầu về nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông tại hãng dịch vụ tài chính Mirabaud Securities, nói với CNBC.
Sự tiếp quản của Trung Quốc ở châu Âu
Các công ty Trung Quốc đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại đáng chú ý trong ngành công nghệ châu Âu. Năm 2016, đại gia công nghệ Trung Quốc Tencent đã mua phần lớn cổ phần của công ty phát triển trò chơi di động Phần Lan Supercell. Một hãng sản xuất thiết bị điện Trung Quốc là Midea đã mua lại công ty robot Kuka của Đức. Năm ngoái, Ant Financial, nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, cũng đã tiếp quản công ty giao dịch tiền tệ WorldFirst có trụ sở tại Anh.
Tham vọng tiếp quản của Trung Quốc đang khiến nỗi lo lắng ở châu Âu tăng cao. Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 13.4 đã đề xuất các nước nên xem xét đầu tư, hỗ trợ cho các công ty công nghệ trong khu vực để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. “Chúng tôi không có vấn đề gì khi các chính phủ đóng vai trò là người tham gia thị trường nếu cần, nếu họ hỗ trợ mua cổ phần trong một công ty và nếu họ muốn ngăn chặn việc tiếp quản từ bên ngoài theo loại hình này”, bà Vestager nói.
Cùng với cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã diễn ra là một cuộc chiến đầy quyền uy về công nghệ. Nhưng khi các bên nỗ lực vươn lên chiếm vị trí thống trị thế hệ công nghệ tiếp theo, bao gồm mạng không dây 5G và trí tuệ nhân tạo, châu Âu dường như đã bị cuốn vào giữa, đặc biệt là về lĩnh vực 5G. Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mạnh mẽ thực hiện một chiến dịch ngăn chặn hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei vì nghi ngờ thiết bị của hãng này có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích gián điệp, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Ở phía ngược lại, ngoài áp lực từ Mỹ, Huawei chỉ có hai đối thủ cạnh tranh lớn ở châu Âu là Ericsson và Nokia. Trong khi đó, châu Âu vẫn một bên lắng nghe cảnh báo từ đồng minh Washington, một bên xem xét “bật đèn xanh” cho Huawei mà không đưa ra được lập trường vững vàng ngay từ đầu.
Hiện tại, với những lời kêu gọi mới của bà Vestager, châu Âu có khả năng sẽ bị chỉ trích nhiều hơn nếu lại để cho các công ty Trung Quốc tiếp quản các công ty công nghệ quan trọng trong khu vực. “Châu Âu sẽ rất cảnh giác khi cho phép Trung Quốc tiến xa hơn và hiện tìm cách để làm chậm tiến độ thu mua của các công ty Trung Quốc. Hoàn toàn sẽ không có cơ hội để Trung Quốc có được các công ty công nghệ lớn của châu Âu vì các hãng này đều có doanh nghiệp và khách hàng quan trọng ở Mỹ. Những giao dịch nhỏ hơn có thể cũng phải đối mặt với rào cản do ý thức cảnh giác ở châu Âu gần đây đã tăng lên”, ông Neil Campling nói.
Bình luận (0)