Ảnh hưởng nhiều ngành nghề
Tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đã làm giảm nguồn cung khiến giá năng lượng tăng vọt. Hệ quả, châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa hồi kết. Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng nặng nề lên các ngành công nghiệp châu Âu.
Theo The New York Times, giá năng lượng tăng cao, có nơi tăng gấp 6 lần, khiến nhiều nhà sản xuất kim loại, giấy, phân bón cùng các sản phẩm khác phụ thuộc vào khí đốt và điện phải cắt giảm sản lượng, đồng thời làm hàng chục ngàn công nhân mất việc. Việc cắt giảm tạm thời này đang làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu. Sản xuất công nghiệp trong khu vực đồng euro đã giảm 2,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm. Nhiều công ty nhỏ đối mặt nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn vì không chịu nổi chi phí.
Các trạm năng lượng gió của Tập đoàn năng lượng RWE (Đức) phía trước các nhà máy nhiệt điện |
Reuters |
Tình hình được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến. Theo Bloomberg, chỉ cần thời tiết giảm 1 độ C, nhu cầu năng lượng tại Pháp sẽ tăng thêm 2.400 megawatt. Điều này khiến người dân châu Âu đổ xô mua các vật dụng sưởi ấm như chăn điện hay thiết bị sưởi cầm tay từ nhiều tháng trước dù khu vực này vừa trải qua những đợt sóng nhiệt nóng kỷ lục.
Loay hoay tìm giải pháp
Trước tình hình trên, các nước châu Âu đang chạy đua để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng trước mùa đông được dự báo sẽ rất khó khăn. Reuters ngày 19.9 dẫn dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng khí đốt châu Âu cho biết các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đầy 85,6%, trong đó Đức đã dự trữ gần 90%. Tuy vậy, dự trữ khí đốt thôi vẫn chưa đủ.
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức ngày 19.9 |
Reuters |
Ủy ban châu Âu ngày 14.9 đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề năng lượng. Theo đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) được khuyến khích cắt giảm 10% tổng mức sử dụng điện và bắt buộc cắt giảm 5% lượng điện sử dụng trong giờ cao điểm. Kế hoạch cũng đề xuất áp thuế lên các công ty năng lượng hóa thạch để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, gia đình gặp khó khăn. Những biện pháp này sẽ được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 30.9.
Trước lúc đó, các nước châu Âu đang có một loạt động thái để tự cứu lấy mình. Theo Reuters, Đức đang đặt mục tiêu ký hợp đồng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), với việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz sắp có chuyến đi đến vùng Vịnh. Tập đoàn năng lượng RWE của Đức cũng sắp đạt được thỏa thuận mua LNG từ Qatar. Bên cạnh đó, Đức còn duy trì hoạt động của các nhà máy than mà nước này từng muốn đóng cửa theo kế hoạch năng lượng xanh và xem xét kích hoạt lại 2 nhà máy điện hạt nhân.
Giá khí đốt, nhiên liệu ở Anh sẽ tăng "thảm họa" 80% cuối năm nay |
Các nước khác cũng đã đưa ra kế hoạch dự phòng. Người đứng đầu Ủy ban Điều tiết năng lượng Pháp cho biết nếu việc sửa chữa các lò phản ứng hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Pháp bị đình trệ, nước này có thể phải cắt điện cục bộ trong mùa đông. Hãng tin Tây Ban Nha Europa Press dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Reyes Maroto của nước này cho biết các công ty sử dụng nhiều năng lượng có thể phải đóng cửa trong giờ cao điểm nếu cần thiết. Trong khi đó, nhà điều hành lưới điện Phần Lan Fingrid ngày 19.9 cảnh báo người dân chuẩn bị cho tình trạng mất điện vì thiếu năng lượng.
Người Việt ở Đức hối hả chuẩn bị cho mùa đông
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu lan dần đến mọi ngóc ngách khắp nước Đức. Trên các hội nhóm của người Việt ở Đức, mọi người đã bắt đầu thảo luận về các hình thức sưởi ấm không cần dùng khí đốt để tiết kiệm tiền như lò sưởi củi. Nhiều hộ gia đình chia sẻ họ thậm chí mua củi, chẻ củi từ nhiều tháng trước để chuẩn bị.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Khánh Quỳnh, đang theo học thạc sĩ tại Đại học Stuttgart ở Đức, cho biết mùa đông năm nay có vẻ đến sớm và trời bắt đầu lạnh dần nhưng hệ thống sưởi ở ký túc xá vẫn chưa được bật lên. “Tôi phải mặc nhiều quần áo ấm hơn và đang cân nhắc việc mua chăn điện”, Quỳnh nói. Anh cũng cho biết dù có thể làm từ xa, những ngày gần đây anh vào công ty nhiều hơn và luôn ở đến tối vì ở đó có bật lò sưởi.
Anh Nguyễn Phan Bảo Việt, kỹ sư tại Frankfurt, cho hay mùa đông năm nay anh cũng dự định ít dùng hệ thống sưởi hơn vì lo hóa đơn tiền điện tăng do trong nhà có nhiều thiết bị điện. “Tôi sẽ mua thêm chăn. Những người xung quanh đều đã tìm phương án sưởi ấm, nên có sự chuẩn bị trước vẫn tốt hơn”, anh Việt chia sẻ.
Bình luận (0)