Châu Âu có lựa chọn gì nếu Nga cắt dòng khí đốt Nord Stream 1?

La Vi
La Vi
13/07/2022 07:30 GMT+7

Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức sẽ được bảo trì theo kế hoạch từ 11.7, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong khoảng thời gian này. Vậy châu Âu sẽ có những lựa chọn năng lượng thay thế nào?

Nga thường cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu, chủ yếu bằng đường ống.

Tuy nhiên, việc đường ống Nord Stream 1 vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức đang được bảo trì theo kế hoạch làm nổi lên câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu thời gian ngừng hoạt động kéo dài?

Ông Klaus Mueller, người đứng đầu nhà điều hành hệ thống phân phối ở Đức, cho biết không có gì đảm bảo rằng khí đốt sẽ quay trở lại sau 10 ngày bảo trì.

"Nord Stream 1 đã thông báo cho chúng tôi theo thông lệ. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi việc bảo trì được thực hiện thì vẫn còn phải chờ xem, không ai có thể đoán trước được điều đó. Đó có phải là một đợt bảo trì kết thúc sau 10 ngày, hay sớm hơn hoặc muộn hơn? Thật không may, chúng ta phải chờ xem. Tôi cũng không mong đợi chúng tôi sẽ được thông báo sớm hơn nhiều so với ngày hôm trước, ông Mueller cho biết.

Việc Ukraine đã đóng cửa đường ống trung chuyển Sokhranovka chạy qua phần lãnh thổ ở miền đông nước này - mà hiện do Nga kiểm soát - đã khiến các nước châu Âu phải tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Một số đã bị cắt sau khi họ từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán bằng đồng rúp.

Nhưng những nước khác, bao gồm cả Đức, vẫn cần khí đốt của Nga và đang cố gắng bổ sung các nguồn dự trữ đã cạn kiệt. Trong số các tuyến đường ống thay thế đến châu Âu không đi qua Ukraine có đường ống Yamal-Europe, mang khoảng 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu.

Nhưng nếu không phải từ Nga, thì châu Âu có thể lấy khí đốt ở đâu khác?

Một số nước có các lựa chọn cung cấp thay thế và mạng lưới khí đốt của châu Âu được liên kết với nhau để có thể dùng chung nguồn cung. Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất từ Nga, có thể nhập khẩu từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan qua đường ống.

Na Uy, nhà xuất khẩu lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đã và đang đẩy mạnh sản xuất để giúp Liên minh châu Âu (EU) hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Centrica, một công ty dịch vụ và năng lượng của Anh, đã ký một thỏa thuận với Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Anh trong 3 mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cũng có thể xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống.

Nam Âu có thể nhận khí đốt Azeri qua đường ống xuyên Adriatic đến Ý và đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Mỹ cho biết họ có thẻ cung cấp 15 bcm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

Ngoài ra, EU có thể cân nhắc phương án chuyển sang nhập khẩu điện qua các đầu nối từ các nước láng giềng hoặc thúc đẩy sản xuất điện từ hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc than đá.

Tuy nhiên tại Bỉ, Anh, Pháp và Đức, các nhà máy hạt nhân đang phải đối mặt với tình trạng sắp ngừng hoạt động. Châu Âu cũng đang cố gắng chuyển hướng khỏi than đá để đáp ứng các mục tiêu khí hậu nhưng một số nhà máy than đã phải hoạt động trở lại từ giữa năm 2021 do giá khí đốt tăng cao.

Mặc dù vậy, hiện tại, Đức và châu Âu vẫn đang còn mơ hồ về những gì sẽ xảy ra sau khi quá trình bảo trì Nord Stream 1 hoàn tất.

Ông Klaus Mueller cho biết: “Nếu có trường hợp khẩn cấp về khí đốt, chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định khác đối với các khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn. Nhưng điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được từ tháng 10, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Chúng tôi sẽ xem xét những thiệt hại kinh tế, hậu quả kinh tế, tác động đến chuỗi cung ứng và các khía cạnh xã hội. Tất cả điều này sẽ được xem xét từ mùa thu. Cho đến lúc đó, chúng ta đáng tiếc là chỉ có thể quyết định được một phần nhỏ, hay nói đúng hơn là ra được các quyết định riêng lẻ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.