Châu Âu dần 'vắng bóng' nguồn năng lượng Nga

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
02/01/2025 05:29 GMT+7

Ukraine từ năm 2025 sẽ không còn nhận trung chuyển khí đốt từ Nga, qua đó cắt đường vận chuyển nguồn năng lượng đến các nước châu Âu.

Vào sáng đầu năm mới 2025, hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua hệ thống đường ống tại Ukraine đã dừng lại, sau khi Kyiv và Moscow không đạt thỏa thuận gia hạn. Đây là điều được dự báo từ trước, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn căng thẳng và sắp tròn 3 năm, đồng thời Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã hạn chế dòng khí đốt nhập từ Nga những năm qua.

Thỏa thuận quá cảnh khí đốt Nga ở Ukraine chấm dứt, Moscow thất thu 5 tỉ USD

 Quan hệ năng lượng Nga - EU đến hồi kết ?

Trong tuyên bố, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết hoạt động chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đã ngừng từ 8 giờ ngày 1.1 theo giờ Moscow, Reuters đưa tin. Bộ Năng lượng Ukraine nói rằng hoạt động vận chuyển đã dừng lại "vì lợi ích an ninh quốc gia". Nga và trước đây là Liên Xô đã dành hơn 50 năm để xây dựng mạng lưới đường ống nối đến châu Âu và từng có thời điểm chiếm 35% thị phần khí đốt ở châu lục này. Gần một nửa khí đốt Nga xuất sang châu Âu đi qua hệ thống đường ống tại Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu khí đốt của Moscow.

Châu Âu dần 'vắng bóng' nguồn năng lượng Nga- Ảnh 1.

Nhân viên làm việc tại kho khí đốt ở TP.Striy (Ukraine)

ẢNH: Reuters

Vào năm 2022, hai tuyến đường ống chính, gồm Yamal - châu Âu và Nord Stream đã đóng cửa. Toàn bộ hệ thống đường ống từ Nga đã vận chuyển 201 tỉ m3 khí đốt đến châu Âu năm 2018, con số kỷ lục khi đó. Trong năm 2023, Nga chỉ chuyển 15 tỉ m3 khí đốt qua các đường ống ở Ukraine, thấp hơn con số 65 tỉ m3 vào năm 2020, thời điểm bắt đầu thỏa thuận vận chuyển trong 5 năm. EU đã chuẩn bị kịch bản không còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Trong năm 2023, khí đốt của Nga chiếm chưa đến 10% lượng khí đốt EU nhập khẩu, khác xa con số hơn 40% vào năm 2021. Hiện Nga còn xuất khẩu khí đốt qua đường ống TurkStream ở biển Đen, với hai tuyến đường hướng đến thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và khách hàng Trung Âu như Hungary và Serbia.

Tác động kinh tế

Giới chuyên gia dự báo tác động tới thị trường sẽ không lớn, dù vẫn xảy ra đà tăng giá. Bộ Năng lượng Áo hôm 31.12.2024 cho biết đã có các thỏa thuận mua khí đốt từ Ý và Đức để lấp đầy kho dự trữ. Slovakia khẳng định đất nước sẽ không xảy ra nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, dù có thể phải chi thêm gần 180 triệu USD cho các tuyến đường nhập khẩu thay thế. Trong khi đó, người phát ngôn Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh EU đã phát triển hạ tầng khí đốt linh hoạt và có các tuyến đường ống thay thế, cùng với việc tăng công suất nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ năm 2022.

Khi thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraine không được gia hạn, Kyiv có thể tổn thất khoảng 800 triệu USD phí trung chuyển, trong khi Tập đoàn Gazprom có thể lỗ khoảng 5 tỉ USD doanh thu bán khí đốt. Dù đã có những phương án dự phòng, việc không còn nhận khí đốt Nga qua Ukraine sẽ đẩy giá khí đốt tăng và gây thêm áp lực đến các hộ gia đình châu Âu. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của châu Âu so với Mỹ và Trung Quốc trong các ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng. Cùng với đó, mùa đông dự kiến kéo dài và lạnh hơn trong năm nay có thể tăng nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm và làm hao hụt nguồn dự trữ tại châu Âu, theo tờ The Guardian.

Ukraine chỉ trích thành viên NATO vì khí đốt Nga

Một số quốc gia châu Âu có quan hệ tốt đẹp với Moscow hoặc còn phụ thuộc vào khí đốt Nga đã không hài lòng, trong đó Moldova chịu ảnh hưởng đáng kể, buộc chính phủ nước này phải đưa ra các biện pháp quyết liệt để hạn chế tiêu thụ năng lượng, ngoài ra còn lên kế hoạch mua điện từ láng giềng Romania. Slovakia dù có kế hoạch dự phòng, Thủ tướng Robert Fico nước này đã chỉ trích quyết định không gia hạn của Kyiv tác động nghiêm trọng đến EU và cho biết sẽ xem xét ngừng cung cấp điện dự phòng cho Ukraine như biện pháp đáp trả.

Châu Âu nhập khí đốt từ đâu ?

Khi giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu đã tăng nhập khẩu LNG từ các đối tác tiềm năng, trong đó Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho EU trong năm 2023 với hơn 50% tổng lượng LNG nhập khẩu. Các thị trường Bắc Phi, Na Uy hay Qatar cũng là phương án hàng đầu, khi Na Uy chiếm gần 30% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU năm 2023. EU thừa nhận việc đa dạng hóa nguồn cung và xây dựng kho lưu trữ LNG là quá trình kéo dài và tốn kém, song khối này đã có những bước đi nhanh chóng.

Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong năm 2025

Trong bài phát biểu trước toàn quốc ngày 31.12.2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này sẽ cần chiến đấu vào năm 2025 để củng cố vị thế về mặt quân sự và trước bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

"Trong những thời khắc quyết định sẽ đến vào năm tới, chúng ta không được cho phép bất cứ ai trên thế giới nghi ngờ khả năng phục hồi của chúng ta. Giai đoạn này sẽ quyết định bên nào chiến thắng", theo Hãng tin AFP dẫn lời ông Zelensky.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Zelensky bày tỏ lạc quan trước sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đồng thời tin rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Kyiv để đối phó với Nga. "Tôi chắc chắn tổng thống mới của Mỹ sẵn lòng và sẽ có thể mang lại hòa bình và chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga", ông Zelensky khẳng định. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh giúp Kyiv chấm dứt cuộc xung đột và mang lại hòa bình lâu dài vào năm 2025.

Bài phát biểu của Tổng thống Zelensky khép lại một năm khó khăn của Ukraine. Theo phân tích của AFP và các chuyên gia chiến tranh trên thế giới, Nga đã tiến thêm gần 4.000 km² ở Ukraine trong năm 2024, gấp 7 lần so với năm 2023.

Trí Đỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.