Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) vừa thông báo cuộc điều tra về việc phóng tên lửa đưa 2 vệ tinh quan sát trái đất vào năm ngoái cho thấy nguyên nhân thất bại là do một bộ phận từ Ukraine bị lỗi, theo AP ngày 3.3.
Tên lửa đẩy Vega C lao xuống biển chưa đầy 2 phút sau khi phóng lên từ một cơ sở ở vùng Guyane thuộc Pháp vào ngày 20.12.2022.
Công ty Arianespace cung cấp dịch vụ phóng khi đó cho biết tầng 2 của tên lửa bị tụt áp, dẫn đến sứ mệnh phải kết thúc sớm.
Theo ESA, nguyên nhân thất bại là do bộ phận vòi trong tầng Zefiro 40 của tên lửa bị xuống cấp. Được sản xuất bởi công ty Avio (Ý), tầng này đã bị "xói mòn cơ nhiệt quá mức" tại một bộ phận carbon có nguồn gốc từ Ukraine.
Chuyên gia kỹ thuật trưởng Pierre-Yves Tissier tại Arianespace cho biết kết luận dựa trên việc xem xét những bộ phận tương tự và cần được xác nhận thông qua thử nghiệm thêm.
ESA cho biết cuộc điều tra không phát hiện sự yếu kém nào trong thiết kế của tầng Zefiro 40. Cuộc phóng vào tháng 12 năm ngoái là lần thất bại thứ 3 trong 8 lần phóng các tên lửa Vega và Vega C.
"Chúng tôi sẽ vượt qua thời khắc rất khó khăn này", theo lãnh đạo Stephane Israel của Arianespace.
Trong cuộc phóng trên, khi đã xác định rõ rằng Vega C sẽ không thể lên quỹ đạo, một lệnh tự hủy được gửi lên để tên lửa phá hủy các vệ tinh mang theo. Theo BBC, đó là 2 vệ tinh quan sát mặt đất có độ phân giải cao được sản xuất bởi Airbus.
Dự kiến một bộ phận mới sẽ được thay thế và Zefiro 40 sẽ khai hỏa trong thử nghiệm trên mặt đất trước khi phóng trở lại. Tên lửa Vega C là bản nâng cấp của Vega và cả 2 đều có tổng cộng 4 giai đoạn, được khai hỏa dần khi đạt những độ cao đã được thiết lập.
Bình luận (0)