Châu Âu tăng mạnh chi tiêu quốc phòng giữa khủng hoảng an ninh

Như Trần
Như Trần
07/03/2022 08:05 GMT+7

Nhiều quốc gia phương Tây đã quyết định tăng ngân sách và chi tiêu quốc phòng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng lên.

Những năm qua, các nhà lãnh đạo phương Tây luôn cố gắng đưa ra phản ứng mạnh mẽ, thống nhất trước mối lo ngại đe dọa từ Nga nhưng ý muốn đó không mấy thành công. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24.2, một loạt nước châu Âu đã ra quyết định.

Các binh sĩ của quân đội Đức

Reuters

Lần lượt lên tiếng

Sự thay đổi gây ngạc nhiên nhất đến từ nước Đức khi Thủ tướng Olaf Scholz ngày 27.2 tuyên bố trước quốc hội rằng ông sẽ dành 115 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội và khẳng định sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên theo đúng cam kết với NATO. Đây được xem là một bước ngoặt lớn trong chính sách của Berlin. Reuters dẫn lại số liệu của NATO cho biết vào năm 2021, Đức đã chi khoảng 1,53% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Theo trang Investor’s Business Daily, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, NATO quyết định các quốc gia thành viên phải tăng chi tiêu quốc phòng lên bằng 2% GDP trước năm 2024. Tuy nhiên, trước áp lực và những lời thuyết phục từ các đồng minh, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2018 vẫn cho biết nước này sẽ không đạt được mục tiêu của NATO trong một thập niên tới. Từ lâu, Đức vốn xem hệ quả của Thế chiến 2 là lý do để né tránh việc tăng sức mạnh cho quân đội mà thay vào đó là tập trung vào thương mại và đối ngoại.

Đức đổi ý, quyết định gửi tên lửa chống tăng, chống máy bay cho Ukraine

Trong khi đó, AFP đưa tin Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 1.3 cho biết chính phủ của bà muốn tăng cường khả năng quân sự vì “mức độ đe dọa chung” đã tăng lên. Dù không phải là thành viên của NATO, Thụy Điển hợp tác rất chặt chẽ với liên minh này. Cùng ngày, Tổng thống Klaus Iohannis của Romania cũng nói rằng ông sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng từ mức 2% GDP ở hiện tại lên 2,5% GDP. Theo tờ ThePrint, nội các Latvia hôm 1.3 xác nhận kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2025. Phần Lan cũng đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy rằng việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ là điều không thể tránh khỏi sau động thái của Nga ở Ukraine. Trung tâm phân tích chính sách châu Âu cho biết Thủ tướng Ý Mario Draghi trong một bài phát biểu trước Thượng viện ngày 1.3 đã kêu gọi tăng chi tiêu cho quân đội, vốn từ lâu chỉ nằm ở mức 1,3% GDP.

The Wall Street Journal cũng đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 2.3 cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của nước này nhưng không rõ bao nhiêu. Theo Reuters, Ba Lan, quốc gia luôn giữ chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP trong những năm gần đây, ngày 3.3 đã thông báo tăng con số này lên 3%.

Trước khi khủng hoảng Ukraine lên cao trào như hiện tại, Anh, Hà Lan, Lithuania cùng một số nước khác cũng đã tăng hoặc xem xét tăng ngân sách cho quân đội.

Ảnh hưởng của sự thay đổi

Bà Mai’a Cross, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Northeastern (Mỹ), nhận định việc các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, thay đổi chính sách an ninh sẽ giúp họ có thể hỗ trợ Ukraine nhiều hơn, cả về tài chính và chuyển giao vũ khí trực tiếp trong bối cảnh chiến sự với Nga.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 7,1%

CNBC dẫn thông báo về kế hoạch của Bộ Tài chính Trung Quốc công bố ngày 5.3 cho thấy chi tiêu quốc phòng nước này sẽ tăng 7,1%, đạt mức 230,16 tỉ USD trong năm nay, cao hơn mức tăng 6,8% vào năm 2021 và 6,6% của năm 2020. Đây cũng là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2019. Chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2019 đã tăng 7,5%, đưa ngân sách quốc phòng lên thành 188 tỉ USD.

Một số chuyên gia cũng cho rằng động thái của Đức sẽ là bước đệm để tạo ra một cách tiếp cận an ninh mới cho châu Âu. Tờ The Washington Post dẫn lời ông Ian Kearns, đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, cho biết Tổng thống Putin đã làm được điều mà nhiều người cố gắng thực hiện từ lâu là “tạo ra sự đoàn kết ở châu Âu”.

Theo The Washington Post, đối với các quốc gia đã là thành viên NATO, sự xoay trục về chính sách quốc phòng của Đức có thể có những ảnh hưởng sâu sắc về lâu dài. Chính Thủ tướng Scholz khi thông báo tăng chi tiêu quốc phòng đã gọi chiến dịch của Nga ở Ukraine là “một bước ngoặt trong lịch sử lục địa của chúng ta”.

The Economist dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Citigroup cho thấy chi tiêu quốc phòng trên toàn NATO sẽ tăng nhanh hơn và 2% GDP sẽ trở thành mức ngân sách quốc phòng tối thiểu. Ngân hàng Jefferies chỉ ra rằng nếu tất cả thành viên NATO đều đạt mục tiêu đã đặt ra, tổng ngân sách quốc phòng của liên minh (không bao gồm ngân sách quốc phòng khổng lồ của Mỹ) sẽ tăng 25% lên khoảng 400 tỉ USD một năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.