Châu Âu tăng thuế xe Trung Quốc lên đến 38%, bùng nổ cuộc chiến ô tô điện?

KHƯƠNG QUANG ĐỒNG
(Paris, Pháp)
01/07/2024 14:36 GMT+7

Trong khi Mỹ tuyên bố đánh thuế nhập 100% đối với ô tô điện Trung Quốc thì châu Âu chỉ giới hạn ở mức trung bình 21%, mức thuế tùy theo thương hiệu, cao nhất là 38% với SAIC.

Thật ra, Ủy ban châu Âu không muốn mở một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vì Đức lo ngại cho sự trả đũa ăn miếng trả miếng đối với BMW, Mercedes, Siemens…, cũng như Pháp lo ngại cho rượu Bordeaux, rượu Cognac và các hàng hiệu Louis Vuiton, Hermès, Chanel...

Phải nói rằng, sự chênh lệch giá xe điện của Trung Quốc với các hãng sản xuất truyền thống châu Âu khá lớn. Theo một số ước tính, xe điện Trung Quốc rẻ hơn ít nhất 20% so với các loại xe trung và cao cấp cùng chất lượng của các hãng châu Âu, nhưng sự cách biệt càng lớn hơn đối với xe cấp thấp. Châu Âu bắt đầu lo ngại khi Trung Quốc chuyển hướng từ tập trung sản xuất cho thị trường nội địa sang nhiều thị trường thế giới như Nga, Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ La tinh và mở hàng chục nhà máy khắp nơi.

Tại châu Âu, ô tô điện Trung Quốc đã có mặt từ lâu, chủ yếu ở Bắc Âu, nhưng thị phần ô tô điện của họ tăng từ 2% vào cuối năm 2021 lên gần 8% vào cuối năm 2023!

"Hồn Trung Quốc - da châu Âu" phát triển mạnh

Trong thực tế, sự xuất hiện ở châu Âu của các nhà sản xuất Trung Quốc không phải mới gần đây và họ có hai chiến lược xâm nhập thị trường này.

Đó là chiến lược "Ngựa thành Troyes". Năm 2005, Tập đoàn SAIC mua lại MG, một trong những thương hiệu nổi tiếng như Roll-Roys, Bentley, Mini của nhóm British Leyland mà BMW là chủ sở hữu năm 1995. Đến năm 2010, Geely mua Volvo từ Ford, sau đó mua 10% Mercedes-Benz năm 2018. Mặc dù là công ty con của Geely, nhưng Volvo vẫn được xếp là thương hiệu châu Âu và đã lập ra 2 thương hiệu con Lynk & Co và Polestar, áp dụng phương pháp phân phối trực tiếp như Tesla.

Chiến lược thứ 2 là cạnh tranh trực diện. Cụ thể, các thương hiệu như GWM, BYD, XPENG, NIO… có chiến lược khác là bắt đầu xâm nhập vào tất cả các thị trường châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Vương quốc Anh và Ireland rồi mở rộng sang Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ…

MG Motors là thương hiệu Anh, có uy tín và rất nổi tiếng ở châu Âu trong suốt thế kỷ 20. Sau một loạt khủng hoảng và qua tay nhiều người mua, MG Motors hồi sinh với "quốc tịch Trung Quốc - gốc Anh", trở thành một hãng con của Tập đoàn SAIC. Với những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cạnh tranh tốt, MG đã chinh phục thị trường châu Âu. Năm 2023, MG bán được hơn 230.000 xe ở châu Âu - nhà sản xuất đang chuẩn bị tung vào thị trường một dòng xe quan trọng là xe hybrid MG3 với tham vọng về số lượng rất đáng kể.

Châu Âu tăng thuế xe Trung Quốc lên đến 38%, bùng nổ cuộc chiến ô tô điện?- Ảnh 1.

Xe điện BYD của Trung Quốc

TL

Volvo là thương hiệu cao cấp Thụy Điển, rất uy tín và nổi tiếng ở châu Âu. Bên bờ phá sản năm 2010, Geely đã mua lại từ Ford và cấp vốn nhưng hoàn toàn để Volvo tự trị và phát triển ADN châu Âu của mình. Volvo đã hồi sinh và bán được 294.794 xe năm 2023 (+19% so với năm 2022).

Sự khác biệt về kết quả rất rõ ràng. Năm 2023, MG đứng hàng đầu với 230.000 xe, Volvo 45.700 (+ 90.024 xe hybrid sạc), trong khi đó, gộp lại tất cả thương hiệu 100% Trung Quốc như BYD, GWM, Geely, NIO, XPENG…. chỉ bán được 95.000 xe.

Cuộc chiến ô tô điện Trung - Âu sẽ xảy ra?

Công ty GWM có mặt trên tất cả các thị trường châu Âu nhưng kết quả khá thất vọng. Theo Dataforce, 4 tháng đầu năm nay, hãng xe này chỉ bán được 1.621 xe trên thị trường châu Âu. Với kết quả này, GWM thông báo sẽ đóng cửa chi nhánh đại diện châu Âu ở Đức kể từ ngày 31.8 tới, và sẽ sa thải 100 nhân viên quản lý các hoạt động trên toàn lục địa này.

Bên cạnh đó, BYD - một tập đoàn xe hàng đầu khác, cũng chỉ bán được 15.707 xe năm 2023 theo dữ liệu của JATO Dynamics. Các thương hiệu khác không vượt quá vài trăm xe trong 1 năm.

Châu Âu là thị trường truyền thống đòi hỏi các thương hiệu uy tín, các sản phẩm chất lượng. Khách hàng châu Âu có nhiều đòi hỏi về dịch vụ hậu mãi và quan trọng là xe còn có giá cao khi bán lại sau sử dụng. Không đáp ứng được những đòi hỏi này, ngoại trừ MG và Volvo, các thương hiệu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn như Tập đoàn GWM. Quyết định tăng thuế đã đẩy các tập đoàn Trung Quốc nhanh chóng thực hiện giải pháp hòa nhập, nghĩa là đưa sản xuất vào châu Âu.

Trường hợp của BYD, công ty này cùng với CATL đã ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô và nhà máy sản xuất pin ở Hungary. Tây Ban Nha cũng đã đạt được thỏa thuận với Chery. Cũng không kém, với mục đích hồi sinh ngành ô tô, Ý đang đàm phán với Chery về việc xây dựng nhà máy thứ hai, đồng thời tìm cách thu hút nhà sản xuất DongFeng. Bị mức thuế hải quan cao nhất, SAIC sở hữu thương hiệu MG cũng đang đàm phán với nhiều nước châu Âu để triển khai ít nhất hai nhà máy. Các thương hiệu này coi châu Âu là một thị trường quan trọng và muốn nhanh chóng khẳng định mình ở đó. Sau Hungary, BYD cũng đang thảo luận về việc xây dựng một nhà máy thứ hai mà Pháp nằm trong danh sách được lựa chọn. Các quốc gia châu Âu đang trải thảm đỏ đón các nhà máy.

Cuộc trao đổi hai bên đều có lợi

Lịch sử lặp lại. Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, để chống làn sóng ô tô Nhật, châu Âu đã lập hệ thống hạn ngạch (quota), và để đáp trả, các tập đoàn ô tô Nhật đã dùng lá bài hòa nhập: Toyota xây dựng nhà máy ở Burnaston (Anh) và Valence (Pháp), Nissan ở Sunderland (Anh) và Barcelona (Tây Ban Nha), Honda ở Swindon (Anh)…

Nhiều người lo cho các thương hiệu nội địa châu Âu phải đối đầu với những đối thủ đáng ngại. Nhưng hơn 30 năm sau, chỉ Toyota là người thắng cuộc với doanh số hơn 1 triệu xe năm 2023 nhờ dòng xe hybrid. Và nhờ liên minh với Renault, Nissan đạt được 2,3% nhưng đang gặp khó khăn, sắp đóng cửa nhà máy ở Barcelone, Honda với 0,6% thị phần và sắp phải ngừng sản xuất mẫu xe Civic ở Swindon, Mitsubishi 0,5% và Lexus 0,3%.

Châu Âu mở cửa mời các tập đoàn Trung Quốc tham gia cuộc chiến trên "sân kỹ thuật", nơi đó mỗi nhà sản xuất đều có hy vọng chiến thắng ngang nhau vì nó dựa trên khả năng phát minh, khả năng quản lý sản xuất giảm giá thành và bảo đảm chất lượng của sản phẩm, khả năng phục vụ khách hàng. Trong cuộc cạnh tranh bình đẳng này, các thương hiệu Trung Quốc không dễ dàng thắng vì không có yếu tố lao động rẻ và mất (hay giảm) lợi thế nguyên liệu, ngoại trừ, nếu có một tập đoàn xứng danh là "Toyota China". Dù kết quả nào, châu Âu cũng sẽ hưởng lợi vì đầu tư các nhà máy sản xuất xe, pin, điện tử… giúp họ tái công nghiệp, tạo công việc và đưa ngành công nghiệp nội địa đi lên.

Nhưng trên mặt trận khác, lo ngại chính của các tập đoàn ô tô truyền thống là Trung Quốc đang phát triển mạnh ở các thị trường Nga, Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á, châu Phi…

Ván cờ vây này, có lẽ Trung Quốc đang thắng thế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.