Cháu gái nâng niu cuốn nhật ký và tình thương vô bờ của bà ngoại

10/01/2022 09:12 GMT+7

Cuốn nhật ký được bà ngoại viết từ lúc Bảo Châu còn nhỏ, đến giờ cô vẫn luôn lưu giữ, trân trọng như báu vật. Tình thương yêu vô bờ của bà ngoại dành cho cô lúc còn sống là động lực để cô phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống.

Mạng xã hội chia sẻ những trang nhật ký của bà ngoại viết cho cháu từ khi cháu sinh ra với nét chữ đơn sơ, mộc mạc cùng những tâm tư, tình cảm dành cho cháu gái. Bà mong muốn khi cháu lớn lên, đọc lại sẽ cảm nhận được sự có mặt của cháu là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Trân trọng cuốn nhật ký đặc biệt

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, người cháu trong cuốn nhật ký bà ngoại viết là Lê Bảo Châu (19 tuổi, sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng). Bà ngoại mất khi Châu học lớp 4, sau 2 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư. Lúc ngoại mất, mẹ đã đưa một cuốn nhật ký của bà viết về cô. Dù chỉ có ít trang ngắn ngủi nhưng khoảnh khắc đọc những dòng chữ đó khiến cô rơi nước mắt. “Lần đầu mình đọc nhật ký ngoại viết là một ngày sau khi ngoại mất. Lúc đọc, nước mắt không ngừng rơi vì mình rất nhớ ngoại. Hơn cả những trang nhật ký, ngoại dành cho mình một tình thương vô bờ bến, không gì đong đếm được. Khoảng thời gian mình ra đời có nhiều khó khăn nhưng ngoại luôn yêu thương, chăm sóc mình. Mẹ mình bảo sau này mình lớn, ngoại có nhiều việc bận nên không thể viết tiếp được, nhưng nhiêu đó là đủ để mình cảm nhận được tình thương của ngoại”, Bảo Châu chia sẻ.

Từng trang nhật ký được bà ngoại viết cẩn thận

Theo Bảo Châu, khi cô còn nhỏ, mẹ bận đi làm cả ngày, ngoại chăm cô rất kỹ, hai bà cháu thủ thỉ với nhau suốt ngày. Ngoại mót những sợi len đủ màu ở công xưởng về bện lại cho dày để đan áo ấm cho cô. Ngoại nhường cô đồ ăn ngon, lời nói dối đau lòng nhất cô từng tin là ngoại nói: “Ngoại chỉ thích ăn xương thôi. Con ăn thịt đi”. “Gia đình mình chỉ có ngoại, mẹ và mình, nhưng ấm áp, hạnh phúc. Sóng gió ập tới, mẹ phải bán nhà để chữa bệnh cho ngoại, cả nhà chuyển qua một ngôi nhà nhỏ hơn. Ngoại chịu đựng những cơn đau một cách âm thầm, một thời gian sau ngoại mất. Mình may mắn gặp được ngoại lần cuối, ngoại nắm chặt tay mình như một lời tạm biệt”, cô nhớ lại.

Bà ngoại và Bảo Châu chụp ảnh lúc còn nhỏ

NVCC

Hiện tại, Bảo Châu trân trọng cuốn nhật ký đó như báu vật. Đôi khi cô vẫn viết vào đó những sự kiện đặc biệt như khi đậu cấp 3, đậu đại học với mong muốn ở nơi xa ngoại sẽ tự hào về mình.

Tình thương vô bờ của ngoại

“Khoảng thời gian trước khi ngoại mất, mình qua nhà dì ở vì lúc đó ngoại nói với mẹ không hiểu sao dạo này ghét mình. Sau này mình mới hiểu, trước khi ra đi, họ tỏ vẻ chán ghét người họ yêu thương để có thể thanh thản ra đi. Mình nhớ ngoại lắm, nếu thật sự có kiếp sau, mình mong vẫn luôn là cháu gái của ngoại”, cô bày tỏ.

Bà Nguyễn Kim Chi (48 tuổi, mẹ Bảo Châu) cho hay bà là người đầu tiên đọc cuốn nhật ký của mẹ và cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho cháu gái. Cái tên Bảo Châu cũng do mẹ bà đặt với ý nghĩa cháu gái là viên ngọc quý của gia đình. “Năm con gái học lớp 4, mẹ tôi mất, tôi có đưa nhật ký cho con đọc. Con đọc xong nhớ ngoại quá nên rưng rưng, ôm lấy tôi. Mẹ tôi sau bị bệnh không có thời gian viết nhưng bảo lúc lớn lên sẽ đưa cho cháu đọc để biết bà thương cháu nhiều đến nhường nào”, bà Chi kể.

Cũng theo bà Chi, lúc Bảo Châu được khoảng một tháng, chồng bà đề nghị ký đơn ly hôn. Trở thành mẹ đơn thân, bà làm đủ thứ việc từ bảo mẫu ở trường mầm non, muối dưa kiệu bán… để có tiền nuôi con ăn học. Mẹ bà luôn cạnh bên động viên, giúp đỡ, chăm sóc cháu để vượt qua mọi khó khăn, cực khổ trong cuộc sống. “Khi mới sinh, tôi ở trong phòng hồi sức chưa được gặp con ngay nên Châu được ủ ấm từ hơi ấm của ngoại, bú bình từ tay ngoại. Mẹ tôi trước đây dạy tiếng Anh nên cứ khuyên tôi cho Châu đi học ngoại ngữ vì nghĩ con gái biết nhiều thứ tiếng sau đi làm sẽ đỡ vất vả. Vì thế tôi cứ gắng làm, dành dụm đóng tiền cho con học ngoại ngữ. Giờ Châu học giỏi, nói chuyện lưu loát bằng tiếng Anh tôi cũng thấy hãnh diện và an lòng”, bà Chi tâm sự.

“Tôi muốn nhắn gửi đến đứa con gái thân yêu và duy nhất của tôi rằng cuộc đời này tình thương của mẹ và ngoại thiêng liêng. Bước chân vào đời dù gặp nhiều gian khó nhưng con hãy tin rằng luôn có mẹ và ngoại cạnh bên. Bất kỳ có việc gì xảy đến con hãy đón nhận với thái độ tích cực, điều gì không đáng luyến lưu hãy nhẹ nhàng để nó đi, mong con mạnh mẽ”, bà Chi xúc động nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.