Chủ tịch Quốc hội: 'Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/09/2023 10:27 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án luật Nhà ở sửa đổi, dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.

Hệ lụy từ tập trung dân cư quá đông, quản lý chưa nghiêm

Sáng 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 26 cho ý kiến về luật Thủ đô sửa đổi. Cho ý kiến vào dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói đặc biệt quan tâm tới quy định liên quan xây dựng, phát triển, quản lý thủ đô để đảm bảo quy hoạch. 

Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Ông Cường bày tỏ nhất trí với quy định không mở rộng các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đồng thời di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của thủ đô.

"Chủ trương là rất đúng và chúng ta đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhưng cần triển khai sớm và quyết liệt", ông Cường nói.

Tuy vậy, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, thực tế phát triển thủ đô thời gian qua, nhất là với sự kiện cháy chung cư mini tại P.Khương Hạ (Q.Thanh Xuân), việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển của thủ đô có phần khó kiểm soát, dù có rất nhiều luật, nghị quyết được ban hành cho TP.Hà Nội.

"Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Cường đánh giá.

Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ, ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan T.Ư và Hà Nội, theo ông Cường, "đã đặt ra từ rất lâu tuy nhiên triển khai rất chậm chạp".

'Cháy chung cư mini là hệ lụy của dân cư quá đông, quản lý chưa nghiêm' - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho ý kiến sáng 20.9

GIA HÂN

Ông Cường cho hay, theo hồ sơ dự án luật Thủ đô sửa đổi thì danh mục, biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở này được ủy quyền để Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa thấy có biện pháp và lộ trình di dời cụ thể trong khi đây là dạng văn bản chi tiết phải được trình cùng dự án luật.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án luật Nhà ở sửa đổi, dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini bây giờ vẫn giữ nhưng biến thành một điều khác.

“Các đồng chí rà soát lại dự thảo luật Nhà ở, không được hợp thức hóa chung cư mini trong luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và đề xuất, liệu có nên cho phép Hà Nội có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy hay không.

Báo cáo sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, vấn đề chung cư mini vô cùng bất cập. Như chung cư mini trong vụ cháy vừa rồi, cho phép xây dựng 6 tầng thôi nhưng xây dựng tới 9 tầng là vi phạm. Tuy nhiên, với mật độ xây dựng trong khu vực này mà cho phép xây dựng 6 tầng thì có phù hợp không? "Có lẽ phải cho phép Hà Nội được quy định thì mới đảm bảo được cái an toàn”, ông Dũng nói.

Công an TP.HCM tổng kiểm tra chung cư, nhà cao tầng, chung cư mini

Đất sau di dời ưu tiên xây dựng không gian công cộng

Tại điều 20 dự thảo luật được Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Ủy ban Ban Thường vụ Quốc hội sáng 20.9, về các biện pháp bảo đảm quy hoạch quy định, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

'Cháy chung cư mini là hệ lụy của dân cư quá đông, quản lý chưa nghiêm' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án luật Thủ đô sửa đổi sáng 20.9

GIA HÂN

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức T.Ư.

Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Dự thảo luật cũng đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho thủ đô Hà Nội. Cụ thể như về quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, dự thảo phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND TP.Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Với quản lý, sử dụng đất đai, theo tờ trình, dự thảo luật giao HĐND TP.Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác. 

UBND TP.Hà Nội quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hằng năm có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất với các điều kiện cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.