Chiều 25.7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cùng chủ trì có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Buổi làm việc đánh giá các nội dung: thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội và Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.Hà Nội; xây dựng luật Thủ đô sửa đổi.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến việc đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; tiến độ triển khai xây dựng dự án luật Thủ đô sửa đổi; các nội dung chính của dự thảo luật nhằm bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của thủ đô trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của T.Ư, đạt được kết quả khá toàn diện, rất quan trọng; đặc biệt xuất sắc là sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tập trung rà soát, làm rõ những mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục. Ngoài các hạn chế đã được đề cập trong báo cáo, thành phố cần rà soát thêm về chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; tăng tốc công tác quy hoạch; cải tiến các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh...
Liên quan đến việc sửa đổi luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo chương trình tại kỳ họp thứ 6 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật Thủ đô sửa đổi, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các vấn đề cần quan tâm, làm rõ là luật Thủ đô sẽ quy định những gì, những vấn đề cần luật hóa để phát triển thủ đô vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa hợp tác quốc tế…
Ngoài ra, đối với quy định cho đô thị đặc biệt, Hà Nội còn tỷ lệ đô thị hóa "khiêm tốn" nên cần thiết có quy định để quản trị và có dư địa phát triển tốt hơn; cùng đó là những vấn đề về nguồn lực để thủ đô phát triển gồm nhân lực, vật lực và tài lực, phân cấp, phân quyền… không để luật Thủ đô trở thành "luật khung, luật ống"; quy định về áp dụng pháp luật, bảo đảm thuận lợi trong áp dụng, tổ chức thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, luật Thủ đô thực chất là đạo luật phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các nhu cầu quản trị và phát triển thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị; liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền thủ đô...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi nhà khoa học, trí thức, các tầng lớp nhân dân, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố các thời kỳ để hoàn thiện nội dung dự thảo luật Thủ đô sửa đổi.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy đây là sản phẩm "của mình, do mình và cho mình". Cả nước cũng thấy được luật Thủ đô là thực hiện đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Bình luận (0)