Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khi đối thủ lớn nhất của xuất khẩu gạo Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ không tham gia đàm phán TPP nhưng sản phẩm chăn nuôi của các "ông lớn" trên thế giới như Mỹ, New Zealand, Úc lại đang ám ảnh người chăn nuôi trong nước.
Ngành chăn nuôi chịu sức ép lớn từ TPP - Ảnh: Q.T |
Cơ hội lớn cho gạo
|
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại, đối thủ cạnh tranh lớn hiện nay của VN trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ không tham gia đàm phán, do đó VN sẽ có lợi thế hơn trong xuất khẩu gạo nội khối TPP. Ngoại trừ Singapore và Malaysia đang là hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của VN, lượng gạo xuất khẩu sang 9 nước còn lại trong TPP chỉ chiếm 1,6% nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia này, cho thấy khả năng tăng trưởng xuất khẩu gạo vẫn còn khá lớn.
Trước đó, VN ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với 7/12 nước trong TPP, nghĩa là sản phẩm nông nghiệp đã được cam kết cắt giảm thuế còn 0% theo lộ trình, do đó TPP chỉ mang lại lợi ích về thuế quan cho VN đối với những nước chưa có FTA với VN là Mỹ, Canada, Nhật, Peru. Đón bắt thời cơ này, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu, mở thêm nhà máy, liên kết với nông dân để nâng cao chất lượng gạo. Mô hình đầu tiên phải kể đến là “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang, cung cấp vật tư sản xuất, bao tiêu trực tiếp cho nông dân.
Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, nhận định: “Tham gia TPP, gạo VN xuất khẩu vào các thị trường này thuế có thể giảm từ 17 - 20% hiện nay xuống còn 0%, nên khả năng cạnh tranh với gạo từ Thái Lan và Ấn Độ (2 nước không tham gia TPP) là rất lớn”.
Nguy cơ xóa sổ ngành chăn nuôi
Cơ hội mà TPP mang lại cho ngành xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản khác của VN khá rõ ràng thì nguy cơ bị mất thị phần trên sân nhà đang ám ảnh những người chăn nuôi trong nước. Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - phân tích: “Giảm thuế sản phẩm chăn nuôi theo cam kết TPP và một số hiệp định tự do thương mại khác thực sự là một thách thức đối với VN. Úc, New Zealand, Mỹ có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi (thịt, sữa). Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường hai nước này của nông sản VN hầu như không đáng kể, các yêu cầu kỹ thuật thuộc loại cao nhất trên thế giới”.
Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - nhận định: “Ngành chăn nuôi có 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà thì chúng ta không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Đối với chăn nuôi heo, hiện tại chúng ta có ưu thế trong sản xuất nội địa vì người dân vẫn còn thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh... Chính vì vậy cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”.
Theo ông Văn Đức Mười, để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, nhà nước cần áp dụng triệt để cơ chế bảo hộ bằng thuế quan cho những mặt hàng nông sản nhạy cảm, đặc biệt là chăn nuôi. Trong trường hợp cụ thể của TPP, một kết quả đàm phán mở cửa nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, theo lộ trình bằng với lộ trình mà VN đã cam kết trong AANZFTA (Hiệp định khu vực thương mại tự do giữa các nước ASEAN, Úc và New Zealand được ký kết và có hiệu lực từ năm 2010) là hợp lý và khả thi. Nếu biện pháp thuế quan không áp dụng được, phải bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan (TRQ - Tariff Rate Quota).
Quang Thuần; Chí Nhân
>> Chạy đua đón đầu TPP
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 2: Khốc liệt thị trường bia, nước giải khát
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 3: Thuế giảm, 'bẫy' phi thuế quan tăng
>> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 4: Nguy cơ mất thị trường thời trang
Bình luận (0)