Chây ì như... giá nhớt

30/01/2015 09:00 GMT+7

Lợi nhuận cao gấp hàng chục lần xăng dầu nhưng trong khi giá xăng thế giới và trong nước giảm mạnh thì nhớt lại âm thầm tăng giá.

Lợi nhuận cao gấp hàng chục lần xăng dầu nhưng trong khi giá xăng thế giới và trong nước giảm mạnh thì nhớt lại âm thầm tăng giá.

Trong năm qua, giá các sản phẩm dầu nhớt đều tăng bình quân 6 - 7%

Trong năm qua, giá các sản phẩm dầu nhớt đều tăng bình quân 6 - 7% - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Người tiêu dùng trong nước đang bị các hãng nhớt nước ngoài âm thầm móc túi vì sự chây ì, thiếu sòng phẳng của mình.

Nước ngoài độc chiếm thị trường

Anh Trần Minh (ngụ tại Q.7, TP.HCM) vừa đi thay nhớt đã ngạc nhiên khi thấy giá nhớt tăng so với vài tháng trước. “Sao giá xăng dầu giảm còn giá nhớt lại tăng?”, anh thắc mắc. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người tiêu dùng trên thị trường về việc nhớt "âm thầm" tăng giá, đi ngược chiều với sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước để kiếm lợi khủng.

1 lít xăng hiện tỷ lệ lãi gộp chưa đến 3%, thì lãi gộp ở dầu nhớt không dưới 50%. Với tỷ lệ lãi này, các hãng nhớt đang bỏ túi khoản siêu lợi nhuận

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc SFC

Theo các chuyên gia, xăng, dầu, diesel... là những sản phẩm được sản xuất từ dầu thô còn hầu hết các loại dầu nhớt được pha chế từ các loại dầu gốc và các chất phụ gia. Trong đó, dầu gốc là thành phần chủ yếu, có thể chiếm từ 90 - 100% khối lượng dầu nhớt thành phẩm. Nói thế để thấy, giá dầu thô và giá nhớt có liên hệ mật thiết theo hướng tỷ lệ thuận với nhau. Giá dầu tăng thì nhớt tăng và ngược lại, dầu giảm thì nhớt chắc chắn phải giảm theo.

Năm 2014, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm hơn 50%, giá xăng dầu trong nước cũng có 19 lần giảm. So với cuối năm 2013, giá xăng giảm 30%, giá dầu diesel giảm 26%, giá dầu hỏa giảm 22%, dầu mazut giảm 28%. Nhưng giá nhớt không những không giảm mà còn tăng.

Thống kê cho thấy, trong năm qua, giá các sản phẩm dầu nhớt của tất cả các hãng dầu nhớt từ nước ngoài như BP/Castrol, Shell, Chevron, Total... cho đến các hãng nội địa như Vilube... đều tăng bình quân 6 - 7%. Cụ thể, giá bán lẻ BP/Castrol tháng 1.2015 so với thời điểm tháng 1.2014: giá bán lẻ dầu nhớt Catrol Power 4T 1 lít tăng 14,74%, Castrol Power 4T 0.8 lít tăng 16,47%, đa số sản phẩm khác có mức tăng 1,2 - gần 5%. 

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu tính toán, năm 2014, giá trị nhập khẩu các sản phẩm dầu khí (không kể xăng dầu, gas) khoảng 1 tỉ USD, bao gồm các sản phẩm dầu nhớt, phụ gia, dầu gốc và nhựa đường. Về tiêu thụ, ước quy mô sản lượng tiêu thụ dầu nhớt và mỡ nhờn năm 2014 VN khoảng 370.000 tấn sản phẩm. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP nhiên liệu Sài Gòn (SFC) nhận xét, với quy mô thị trường dầu nhớt lớn hơn 1 tỉ USD trong đó các hãng nước ngoài chiếm thị phần ước tính lên đến 70 - 80%. Nhưng chỉ tính riêng top 5 đơn vị gồm BP/Castrol, PLC (Petrolimex), Shell, Chevron, Total đã chiếm 60% thị phần.

"Thị phần lớn, việc giá dầu thô giảm khiến các hãng dầu nhớt hưởng lợi lớn" - ông Quỳnh nói. Cụ thể, giá 1 lít xăng hiện còn 17.570 đồng, trong khi giá dầu động cơ 60.000 - 70.000 đồng/lít, nhớt bán tổng hợp trên 100.000 đồng/lít, nhớt tổng hợp trên 200.000 đồng/lít. Theo tính toán của ông Quỳnh, 1 lít xăng hiện tỷ lệ lãi gộp chưa đến 3%, thì lãi gộp ở dầu nhớt không dưới 50%. Với tỷ lệ lãi này, các hãng nhớt đang bỏ túi khoản siêu lợi nhuận.

“Móc túi” người tiêu dùng

“Khác với xăng dầu, nhà nước không có quản lý về giá dầu nhớt. Vì vậy, các hãng này không hề bị một sức ép giảm giá nào”, ông Quỳnh nhận xét.

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu và dầu nhớt đều là thành phẩm từ dầu thô, đều chịu tác động của các yếu tố khách quan như nhau, thì việc giá xăng giảm mà dầu nhớt không giảm là nghịch lý. Với 37 triệu xe máy đang lưu hành và hàng trăm ngàn ô tô, các hãng này đã bỏ túi món lợi khổng lồ. Không chỉ thế, việc nhớt chây ì và tăng giá cũng là một cái cớ để các hãng vận tải lâu nay chây ì không chịu giảm cước...

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giá xăng dầu giảm đã đem lại lợi ích cho nền kinh tế, từ chi phí vận tải, chi phí sản xuất giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, là cơ hội để doanh nghiệp giảm giá thành đầu vào, bán được hàng hóa, phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư... thúc đẩy thị trường nội địa và xuất khẩu tốt hơn. “Giá dầu giảm lẽ ra giá các mặt hàng, sản phẩm có liên quan lớn đến xăng dầu cũng phải giảm phù hợp, mặt tích cực của việc giá xăng dầu giảm sẽ lan tỏa lớn hơn. Điều này theo tôi đó là thiệt thòi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải thấy đó là trách nhiệm của mình mà lên tiếng mạnh mẽ”, bà nói.

Không chỉ sử dụng trong vận tải, nhớt còn được sử dụng phổ biến ở các ngành sản xuất như dệt may, bao bì, nhựa, thiết bị, máy móc... nếu giá nhớt giảm sòng phẳng, sản xuất có nhiều điều kiện để giảm giá đầu ra, người tiêu dùng trong nước được lợi.

Xăng dầu giảm mạnh đã kéo theo CPI tháng 1.2015 giảm 0,2% so với tháng trước là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế trong đầu năm. Việc một loại nhiên liệu khác trong “rổ” giá xăng dầu không giảm đã ảnh hưởng lớn đến "dây chuyền giảm giá", ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức mua của người tiêu dùng. Những nhà sản xuất có đầu vào là sản phẩm nhớt có thể dựa vào lý do giá nhớt không giảm để giữ mặt bằng giá các sản phẩm khác ở mức cao.

Một chuyên gia cho rằng, nhà nước phải quản lý giá nhập khẩu, công thức pha chế để tính toán ra giá gốc và giá thành hợp lý chứ không thể để thị trường nhớt cứ âm thầm móc túi người tiêu dùng như hiện nay.

VN chi gần 7,7 tỉ USD nhập khẩu xăng dầu năm 2014

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2014, VN chi 7,67 tỉ USD để nhập khẩu 8,62 triệu tấn xăng dầu, tăng 17,1% về lượng và 9,9% về giá trị so với năm 2013. Trong đó, Singapore là thị trường chính của VN trong nhập khẩu xăng dầu, chiếm 2,6 triệu tấn. Kế đến là Trung Quốc chiếm 1,73 triệu tấn, Đài Loan 1,26 triệu tấn... Đặc biệt, trong năm 2014, Thái Lan cũng là thị trường VN tăng nhập khẩu xăng lên đến 83,8% so với năm 2013, chiếm 888.000 tấn xăng dầu cả thảy. Ngoài ra, trong năm 2014, theo Tổng cục Hải quan, VN cũng đã nhập 933.000 tấn khí đốt hóa lỏng có tổng trị giá 782 triệu USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 21,4% về giá trị so với năm trước.

Ng.Nga

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.