Chảy máu cam: Khi nào cảnh báo dấu hiệu nghiêm trọng?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/03/2022 09:11 GMT+7

Hỉ mũi vào khăn giấy và phát hiện có máu cam thường sẽ khiến người bệnh bị sốc. Chảy máu cam có thể xuất hiện bất ngờ mà không rõ nguyên nhân. Nhưng thông thường, tình trạng này không phải là dấu hiệu đáng phải lo.

Chảy máu cam có thể do một số yếu tố như môi trường có độ ẩm thấp, lạm dụng thuốc xịt mũi, kích ứng với các sản phẩm hóa học hoặc ngoáy mũi gây tổn thương bên trong, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Nếu bị chảy máu cam trên 20 phút hoặc máu chảy quá nhiều thì cần phải được chăm sóc y tế ngay

SHUTTERSTOCK

Chảy máu cam là tình trạng rất phổ biến, có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Các thống kê cho thấy khoảng 60% dân số sẽ bị chảy máu cam vào một thời điểm nào đó trong đời. Trong đó, trẻ từ 3 đến 10 tuổi đặc biệt dễ bị chảy máu cam vì các bé thường ngoáy mũi.

Bên trong mũi là lớp niêm mạch chứa đầy các mạch máu nhỏ. Ngoáy mũi có thể làm tổn thương các mạch máu này, gây chảy máu cam. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam có thể hết mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.

Chảy máu cam ở mũi trước thường sẽ nhẹ và dễ kiểm soát. Thế nhưng, chảy máu cam ở mũi sau là do tổn thương các mạch máu ở sau mũi và cổ họng. Trường hợp này có thể cần phải được chăm sóc y tế ngay.

Dấu hiệu nhận biết chảy máu cam cần phải được chăm sóc y tế là máu chảy liên tục hơn 20 phút hoặc lượng máu chảy ra quá nhiều. Trong khi đó, nếu người bị chảy máu cam xuất hiện triệu chứng nôn mửa, khó thở, chảy máu tai hoặc trực tràng thì cần phải đưa đến bệnh viện ngay.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp chảy máu cam không cần can thiệp y tế khẩn cấp nhưng vẫn cần được bác sĩ kiểm tra. Chẳng hạn, đó là những trường hợp chảy máu cam do tác dụng phụ của thuốc. Trẻ dưới 2 tuổi hoặc người lớn bị chảy máu cam thường xuyên kèm theo các triệu chứng của thiếu máu, da dễ bị bầm tím cũng cần đi bác sĩ khám.

Nếu máu chảy mức độ nhẹ, các chuyên gia khuyến cáo người mắc nên ngồi thẳng dậy chứ không nên nằm. Ngoài ra, sử dụng miếng gạc lạnh để cầm máu. Nhiệt độ lạnh của miếng gạch sẽ giúp các mạch máu co lại và cầm máu.

Hãy hỉ mũi nhẹ nhàng để tống các chất dịch tích tụ bên trong ra ngoài. Kẹp chặt bên mũi bị chảy máu trong khoảng 5 đến 15 phút, sau đó dùng khăn để lau sạch mũi, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.