Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian gần đây khiến chính quyền Hồng Kông đang cân nhắc siết chặt hơn nữa các biện pháp đối phó, trong khi một số công ty, tổ chức cảnh báo tình trạng chảy máu chất xám đang khiến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu này bị lung lay. Theo tờ Asia Times, một số ngân hàng, khách sạn lớn đang điều chuyển nhân lực ra nước ngoài, do quy định cách ly và giãn cách xã hội kéo dài.
Vị thế Hồng Kông có nguy cơ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 |
Bích Chiêu |
Mạnh tay chống dịch
Hồng Kông áp dụng chiến lược không có ca nhiễm Covid-19 của Trung Quốc đại lục, với quy định cách ly nghiêm ngặt và giãn cách xã hội trong 2 năm qua. Từ năm ngoái, đặc khu này siết quy định hơn nữa khi chỉ có cư dân mới được quay lại, phải cách ly bắt buộc trong khách sạn lên đến 3 tuần và tự trả chi phí. Đến ngày 5.2, thời gian cách ly giảm xuống còn 14 ngày kèm 7 ngày tự theo dõi, sau khi nhiều lãnh đạo các công ty tài chính và giới ngoại giao lo ngại năng lực cạnh tranh của Hồng Kông bị ảnh hưởng.
Với quy định chặt chẽ, Hồng Kông không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng trong 6 tháng cuối năm ngoái, cho đến khi biến thể Omicron lan rộng và xuất hiện tại đặc khu này với 2 ca đầu tiên được ghi nhận ngày 30.12.2021. Theo Reuters, tình trạng lây nhiễm sau đó diễn biến phức tạp khiến chính quyền quyết định hoãn bầu cử đặc khu trưởng đến ngày 8.5, thay vì ngày 27.3 như dự kiến trước đó. Đến ngày 8.2, chính quyền Hồng Kông tiếp tục siết quy định giãn cách xã hội và mở rộng áp dụng hộ chiếu vắc xin, nhưng bị Bắc Kinh chỉ trích khi cho rằng Hồng Kông muốn theo chiến lược sống chung với Covid-19 đang áp dụng tại nhiều nước. Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16.2 chỉ đạo chính quyền Hồng Kông ưu tiên kiểm soát dịch bằng “mọi biện pháp cần thiết”.
Bị chỉ trích vì không đeo khẩu trang, Trưởng đặc khu Hồng Kông nói gì? |
Chảy máu chất xám
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng chảy máu chất xám khi nhân lực di chuyển đi nơi khác, còn việc tuyển dụng gặp khó. Trong 17 ngày đầu tháng 2, có 52.836 người rời đi và chỉ 15.900 người đến Hồng Kông, theo Cơ quan Di trú Hồng Kông. Theo Bloomberg, do chính sách không có ca nhiễm Covid-19 của Hồng Kông, khoảng 6 nhân viên cấp cao về chứng khoán tại tập đoàn đa quốc gia Citigroup (Mỹ) đang chuyển đến Singapore và những nơi khác như Anh và Úc. Tập đoàn Bank of America (Mỹ) trước đó đã có kế hoạch chuyển nhân viên từ Hồng Kông đến Singapore, theo tờ Financial Times ngày 27.1, thời điểm Hồng Kông ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm/ngày.
Theo i, Hồng Kông từ ngày 19.2 bắt đầu thành lập hơn 10.000 đơn vị giúp cách ly và điều trị người nhiễm Covid-19, bên cạnh một nhóm chuyên gia từ đại lục đến hỗ trợ. Theo Reuters ngày 20.2, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi dự lễ khởi công xây dựng khu vực dành cho 10.000 đơn vị chống dịch tại vịnh Penny chia sẻ hy vọng dự án sẽ giúp Hồng Kông tăng cường đáng kể năng lực chống dịch. Tổng thư ký hành chính Hồng Kông Lý Gia Siêu cho biết: “Chính quyền đang trong trận chiến tổng lực, theo chỉ đạo quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm ổn định và kiểm soát dịch”. Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hồng Kông Trần Triệu Thủy cho hay đặc khu này sẽ siết thêm quy định giãn cách xã hội, nhưng chưa nói rõ chi tiết. Ngày 20.2, Hồng Kông ghi nhận thêm 6.067 ca nhiễm và 14 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số lên hơn 46.700 ca nhiễm và 276 ca tử vong.
Tương tự, CEO James Riley của Tập đoàn khách sạn Mandarin Oriental (Hồng Kông) cho rằng đội ngũ của ông khó tiếp tục ở lại vì Hồng Kông giờ đây là một nơi “rất nghèo nàn” để điều hành kinh doanh. Quan chức điều hành chính của tập đoàn là ông Christoph Mares đã rời đi từ 15 tháng trước và chưa có kế hoạch quay lại. Một công ty rượu của Pháp cũng tạm thời chuyển các lãnh đạo cấp cao đến UAE, dù công ty đã cải tạo văn phòng ở Hồng Kông vào năm 2020.
Nghiên cứu: nếu bỏ hạn chế đi lại ở vùng "zero Covid" như Trung Quốc, 2 triệu người có thể tử vong |
Chủ tịch Viện Kế toán công chứng Hồng Kông Loretta Fong cho hay lĩnh vực kế toán cũng bị chảy máu chất xám do làn sóng di cư và quy định cách ly nghiêm ngặt của Hồng Kông. Bà cho biết nhiều công ty đã phải tăng lương, thưởng và phúc lợi để giữ chân nhân viên. Theo Asia Times dẫn lời bà Mary Huen, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hồng Kông (HKAB), nhiều ngân hàng không thể bù đắp nhân sự do nhiều người không thể đến đặc khu này mà không phải cách ly. Bà cho biết HKAB sẽ báo cáo với chính quyền và cơ quan chức năng về tình trạng thiếu hụt nhân sự này. Liên quan nhận định vị thế trung tâm tài chính Hồng Kông bị lung lay, Hoàn Cầu thời báo cho rằng việc siết quy định phòng dịch mới giúp giữ vững vị thế của đặc khu này.
Bình luận (0)