Chế định ‘dân kiện quan’

04/06/2015 06:15 GMT+7

Theo lịch trình, hôm nay Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật Tố tụng hành chính sửa đổi - một đạo luật ra đời năm 2011, lần đầu tiên luật hóa chế định “dân kiện quan”, khá mới và khó ở VN.

Theo lịch trình, hôm nay Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật Tố tụng hành chính sửa đổi - một đạo luật ra đời năm 2011, lần đầu tiên luật hóa chế định “dân kiện quan”, khá mới và khó ở VN.

Từ xa xưa, dân gian đã có câu “con kiến mà kiện củ khoai” để chỉ những sự việc “không tưởng” như chuyện dân kiện quan chẳng hạn, để ám chỉ một việc mất công mà không mang lại kết quả. Nhưng với luật Tố tụng hành chính, chuyện dân kiện quan chức hành chính về một hành vi hành chính sai trái là hoàn toàn có thể, mặc dù nó vô cùng gian nan.

Có rất nhiều cản trở khiến cho các vụ khởi kiện hành chính khó thành công, tỷ lệ án phải sửa, hủy khá cao (khoảng 15%), chẳng hạn như thủ tục quá dài và phức tạp, rồi việc phân công phân nhiệm trong cơ quan hành chính không rõ ràng, khiến cho việc xác định chủ thể bị khởi kiện khó khăn... Và trên thực tế có chuyện ông chánh tòa hành chính (về mặt tổ chức là cấp nhỏ hơn) nhưng lại ngồi một phiên xử mà bị đơn có thể là chủ tịch UBND cùng cấp.

Nội dung gây tranh cãi nhất hiện nay trong dự thảo luật Tố tụng hành chính sửa đổi chính là vấn đề này, thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của TAND cấp huyện.

Trong dự thảo, TAND tối cao đề nghị mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện; vì cho rằng, việc xét xử cùng cấp sẽ khiến kết quả hạn chế do áp lực nể nang, ngại va chạm, gây phiền hà cho người đi kiện. Cũng không ít người ủng hộ quan điểm này, mặc dù nó đã từng được đề xuất và bị bác bỏ hồi làm luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoàn toàn không tán thành đề xuất này “vì quy định không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện”.

Chúng ta phải thống nhất nguyên tắc rằng: bất cứ cơ quan, tổ chức hay mọi công dân đều bình đẳng và phải tuân thủ pháp luật. Nếu e ngại TAND cấp huyện bị hạn chế do áp lực ngại va chạm khi giải quyết sơ thẩm đối với các quyết định, hành vi hành chính của UBND cùng cấp thì cũng lại phải e ngại chuyện này diễn ra ở TAND cấp tỉnh mới đúng. Lấy gì bảo đảm TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm đối với khởi kiện quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp tỉnh là khách quan, vô tư và xứng tầm?

Vấn đề lớn nhất cần sửa hiện nay, đó là chúng ta cần có những quy định cụ thể nhằm nâng cao tính độc lập giữa cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp và loại bỏ sự nể nang, né tránh.     

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.