Chế độ công điền ở Nam kỳ lục tỉnh...

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/09/2024 07:00 GMT+7

Trước khi qua đời vào ngày 20.9 vừa qua, 'cây đại thụ sử Việt' Nguyễn Đình Đầu đã kịp nhìn thấy đứa con tinh thần rất tâm huyết của ông được NXB Trẻ in ấn công phu.

Theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà: "Chúng tôi đầu tư công phu với cách trình bày ấn tượng, bắt mắt, bìa đẹp và có chỉnh lý, cập nhật những tư liệu mới để tác phẩm Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh hoàn hảo theo ý của cụ Nguyễn Đình Đầu, bởi đây là công trình nghiên cứu giá trị về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ lục tỉnh khi lưu dân người Việt bắt đầu công cuộc khai phá vùng đất này, được NXB mua tác quyền và nhận bản thảo cuối từ cụ".

Chế độ công điền ở Nam kỳ lục tỉnh...- Ảnh 1.

Sách được NXB Trẻ in ấn công phu

ẢNH: ĐÀO LY

Theo tác giả Nguyễn Đình Đầu, công cuộc khẩn hoang lập ấp có lẽ đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, qua thế kỷ 17, 18 rồi tới thời có danh xưng Lục tỉnh, khi đó mới thấy chế độ công điền được thiết lập và củng cố.

Tìm hiểu chế độ này từ lúc manh nha tới lúc thịnh đạt chiếm khá nhiều thời gian, công sức của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Bằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, có số liệu, bản đồ cụ thể, tác giả đã cho người đọc thấy được toàn cảnh của chế độ công điền công thổ ở Nam bộ.

Trước đây cũng đã từng nhiều sách về công điền ở Trung và Bắc kỳ, trong đó có Kinh tế Nông nghiệp Đông Dương của chuyên gia nông học Yves Henry do phủ Toàn quyền xuất bản. Tác giả này cho rằng tỷ lệ công điền ở Nam kỳ có rất ít (chỉ 3%), không đáng quan tâm. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Đầu muốn đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử như vậy.

Tác giả cho biết Nam bộ ngày xưa là vùng đất hoang vu, lan tràn rừng rậm, hồ ao, bưng chằm, đầy rẫy muỗi mòng, rắn rết, hùm beo. Câu chuyện về những người Việt đầu tiên tới khai hoang Đồng Nai - Gia Định (1594 - 1698) được kể khá chi tiết: "Trước hết đến khai hoang Mô Xoài, tức nước Bà Lỵ hay Bà Rịa sau này, rồi đến Đồng Nai; đợt thứ hai mới tới Gia Định (Sài Gòn, Bến Nghé)… Đến khi kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh vào lập chính quyền và chia đặt phủ huyện năm 1698, đã kéo dài khoảng một thế kỷ. Như vậy, đúng là dân đi trước nhà nước theo sau. Cho nên đối với nông dân tại đây, ruộng nương cày cấy được không phải là do ơn vua lộc nước, mà do chính mồ hôi và nước mắt cần lao của mình làm nên".

Học giả Nguyễn Đình Đầu còn làm rõ việc không nên nhầm lẫn công điền với quan điền ở một số người, mặc dầu côngquan cùng có nghĩa "thuộc về nhà nước", vì công điềnquan điền là hai loại ruộng đất khác nhau, có quy chế khác nhau; nên cũng không thể dịch nghĩa hai loại ruộng đó ra cùng một chữ là ruộng công.

Tác giả cũng phát hiện chế độ công điền đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, "phương Tây hay Tàu cũng không có chế độ nào giống thế". Người Pháp từng dịch chữ công điền ra terres communales, terres publiques, propriété communal, biens communaux, đều không sát nghĩa và cũng chẳng khác gì như ta dịch nôm là ruộng công hay ruộng làng. Người Trung Hoa cũng không có danh từ nào để nói được trọn vẹn khái niệm công điền của ta, vì nước họ không có chế độ công điền trong suốt quá trình lịch sử sở hữu ruộng đất của họ. Lịch sử Trung Quốc chia ra nhiều giai đoạn: đời thái cổ nhà Hạ theo phép cống, nhà Ân và nhà Chu theo phép tỉnh điền, nhà Tần và nhà Hán để dân tự quyền chiếm hữu, nhà Tấn dùng phép chiếm điền, nhà Ngụy làm phép quân điền, nhà Đường đặt thêm phép hạn điền, nhà Tống ủng hộ trang điền rộng lớn, hại cho nông dân nghèo, nhà Minh lập thêm nhiều quan điền làm thiệt cho tư điền. Không chế độ nào giống như công điền của VN, nên tác giả khuyên dùng nguyên chữ công điền công thổ, không nên dịch mà trở thành một từ ngữ riêng "không đụng hàng" với ai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.