Biển miền Trung quê tôi những ngày này đã vào mùa rong biển. Đa số ngư dân đi hái về để kiếm thêm thu nhập, bởi rong bán được sẽ có "tiền tươi thóc thật". Bên cạnh những thau cá, tôm, ốc…, rong biển được nhiều du khách hỏi thăm tỉ mỉ. Dường như ánh mắt ai cũng lộ niềm thích thú pha lẫn vẻ tự tin với món quà đặc biệt theo chân về đất liền.
Rong biển không chỉ sạch mà có tính mát, thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường, giàu dinh dưỡng… Đám trẻ con xứ biển suốt ngày đầu trần, chân đất lặn lội ngoài biển nhờ nồi cháo rong biển nấu với khoai lang mà vẫn tươi da thắm thịt. Người già nhức mỏi tay chân vẫn ngon lành giấc ngủ trưa, đấy là do được tẩm bổ bởi tô canh rong biển mát lành…
tin liên quan
Xe chè hai anh em 60 năm ở Sài Gòn chưa lúc nào vắng khách tới ănNếu so sánh rong biển với các loại hải sản, đặc sản khác quả thật là khập khiễng, bởi rong biển mang màu sắc riêng, thực đơn khá phong phú. Ngoài món cháo, món canh đầy bổ dưỡng, rong biển còn có thể làm gỏi, trộn và đặc biệt một món ăn chơi mát mẻ thanh tao chỉ xuất hiện ở vùng miệt biển vào những ngày hè nắng nóng. Đó là chè rong biển.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, nguyên liệu làm nên món chè là những cọng rong biển thân tròn, rẽ nhánh như những cành san hô; một ít đậu xanh loại hạt nhỏ, cứng, ruột vàng. Ngoài ra, không thể thiếu gừng, lá dứa để tăng vị thơm cho chè.
Hầu hết các loại hải thủy sản, thực vật xứ biển nếu nấu không khéo thường bị nồng, mất ngon, rong biển cũng không ngoại lệ, nhất là món ăn chơi như nấu chè. Do đó, quy trình nấu chè khá tỉ mỉ. Rong biển mới hái hoặc mua về ngâm trong nước, lặt bỏ rễ, rửa sạch, để ráo. Có thể cắt ngắn rong biển thành kích cỡ vừa ăn.
|
Đậu xanh loại bỏ những hạt sâu rồi mang đi hấp vừa chín tới. Nấu nước đường làm chè cũng là một nghệ thuật, sao cho nước có màu trong, vị ngọt và thơm nồng vị gừng, lá dứa.
Thả đậu xanh vào nồi nước đường đun lửa vừa, khéo léo khuấy nhẹ để không bị nát. Nếu nhạt miệng, muốn cho đậu xanh có vị ngọt đậm hơn, xào kỹ với đường kính, sau đó mới thả vào nước đường. Tiếp tục thêm rong biển vào nấu chừng dăm bảy phút. Trước khi ăn, mang cả nồi chè ướp lạnh rồi múc vào từng chén sứ trắng.
Nhìn chén chè dân dã nhưng rất quý phái với màu xanh rong biển hiền dịu, ta không nỡ vội vàng mà chậm rãi nhai nhè nhẹ. Đấy chính là lúc cảm nhận được vị ngọt thanh tao đang tiết ra dần trên từng sợi rong biển, mềm mềm sừn sựt. Khi ấy, mới thấy lòng rưng rức nhớ lại hình ảnh người phụ nữ cặm cụi, kiên nhẫn bên những gành đá.
Mặc cho những cơn sóng thỉnh thoảng lại quật thẳng vào người, họ vẫn cứ miệt mài công việc hái rong để hoàn thành sứ mệnh mang lộc biển về cho du khách bốn phương.
Bình luận (0)