Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Nếu sai Bộ GD-ĐT chấn chỉnh thế nào?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/09/2023 17:50 GMT+7

Sau khi đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định việc chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa là sai quy định, rất nhiều bạn đọc cung cấp thêm thông tin và đặc biệt mong Bộ GD-ĐT phải có biện pháp mạnh tay chứ không chỉ bình luận việc làm đó là sai hay đúng.

Sai khắp cả nước?

Trao đổi với PV Thanh Niên  xung quanh việc nhiều địa phương, nhà trường chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: đưa nội dung giáo dục liên kết vào thì chưa nói rõ các nội dung, hoạt động giáo dục ấy sẽ nằm ở đâu. Nếu xếp trong giờ học chính khóa thì chắc chắn là sai với quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 04.

'Chèn' môn tự nguyện vào chính khóa: Nếu sai thì Bộ chấn chỉnh thế nào? - Ảnh 1.

Thời khóa biểu của học sinh tiểu học chèn môn "tự nguyện" như STEM, kỹ năng sống...

PHHS CUNG CẤP

Nội dung trả lời của Vụ trưởng Thái Văn Tài trên Báo Thanh Niên khẳng định việc chèn nội dung dạy học tự nguyện vào giờ học chính khóa là sai quy định của Bộ GD-ĐT. Từ đó, rất nhiều bạn đọc (BĐ) đã bình luận và gửi email tới Thanh Niên để nêu quan điểm và cung cấp thêm thông tin.

Một BĐ viết: "Vậy là sai khắp cả nước chứ có riêng trường nào đâu?". Đồng tình với quan điểm này, nhiều BĐ đã gửi thông tin cụ thể của không ít trường ở Hà Nội, TP.HCM, Nam Định… lâu nay đã và đang chèn nội dung môn học/hoạt động giáo dục tự nguyện do trường liên kết với đơn vị bên ngoài vào giờ học chính khóa khiến phụ huynh và học sinh không thể không học.

BĐ Nguyễn Minh Huy đề nghị: "Bộ GD-DT rà soát trên cả nước về vấn đề này, ngay cả ở các trường mầm non".

BĐ Socrates viết: "Sách tự nhiên và xã hội ở tiểu học rất hay và có nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là hay hơn chương trình của trung tâm kỹ năng sống G. Nhưng giáo viên chỉ lo dạy toán, tiếng Việt, còn các môn khác đa số bỏ qua (minh chứng là phụ huynh có thể kiểm tra sách tự nhiên và xã hội của con mình học năm trước còn mới tinh)".

Cũng theo BĐ này: "Những trường mầm non công lập ở Q.Gò Vấp hiện nay trong giờ học chính khóa của các em lớp mầm/chồi/lá cũng thu rất nhiều môn năng khiếu như vẽ, đàn, Anh văn, Anh văn với người nước ngoài, kỹ năng sống, võ, nhịp điệu... Phụ huynh chúng tôi không đóng tiền cho con mình học thì không biết giờ đó con mình bị đem đi đâu".

Nhiều BĐ cũng nêu thực tế không chỉ có trường tiểu học, mầm non mà các trường THCS lâu nay cũng chèn các môn STEM, tiếng Anh với người nước ngoài, kỹ năng sống… vào thời khóa biểu chính khóa thì đúng hay sai?

"Không chỉ ở tiểu học mà ở THCS tại TP.HCM cũng chèn nhiều môn vào giờ chính khóa để thu tiền. Kính mong Bộ GD-ĐT vào kiểm tra cho phụ huynh nhờ, chứ trên nói sai mà dưới vẫn làm thì lời nói chẳng có giá trị gì", BĐ Min Lê chia sẻ.

BĐ Huệ Định phản ánh: "Ở Nam Định cũng nhiều trường đang liên kết trung tâm bên ngoài đưa học thêm vào. Con tôi không đăng ký học thì tiết học đó đã phải ra ngoài. Nên chấm dứt hết các hình thức học kiểu này trả lại cho học sinh những tiết học chính khóa".

BĐ Liễu Hoàng phản ánh: "Đấy là quy định của Bộ, chứ ở dưới vẫn 'chèn'. Lớp con tôi vẫn xếp tiết 1, 2. Khi tôi ý kiến xếp tiết cuối thì bảo nhà trường không xếp được thời khóa biểu. Ban đầu thì bảo cho con tôi lên thư viện, sau thì bảo cho chuyển lớp. Thế không cố tình làm khó để bắt học chứ tự nguyện gì".

BĐ Van Thanh Minh thì cho rằng: "Tình trạng liên kết giáo dục hiện nay là vấn nạn, học sinh phải học không có hiệu quả... Nói là tự nguyện nhưng học sinh không học thì sợ là học sinh cá biệt".

Vì lương thấp, vì hoa hồng, hay áp thi đua... nên phải "chèn", phải ép?

Không chỉ phản ánh hiện tượng, nhiều BĐ cũng chỉ ra những căn nguyên khiến tình trạng liên kết để dạy học tự nguyện trong trường phổ thông ngày càng biến tướng.

BĐ Zu By bình luận: "Không đưa vào thi đua và không có hoa hồng thì chẳng địa phương nào liên kết bên ngoài để dạy".

BĐ Tiến Anh Nguyễn cũng thắc mắc: "Tại sao có nơi đưa giáo dục kỹ năng sống vào thi đua, yêu cầu các trường bắt buộc phải liên kết với đơn vị bên ngoài để dạy kỹ năng sống cho học sinh, trường nào không dạy bị trừ điểm thi đua cuối năm, việc dạy kỹ năng sống là tự nguyện mà lại xếp thi đua thì có đúng không?".

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Nếu sai Bộ GD-ĐT chấn chỉnh thế nào? - Ảnh 2.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày với 7 tiết học. Vì thế các môn học liên kết trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh đề nghị các trường xếp sau giờ chính khóa

ĐÀO NGỌC THẠCH

BĐ Lingthouse chia sẻ nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm: "Các môn học tự nguyện này không chỉ gây bức xúc cho phụ huynh mà cả giáo viên chủ nhiệm cũng liên lụy. Giáo viên không vận động học sinh đăng ký tự nguyện 100% sẽ bị hiệu trưởng hạch sách đủ điều. Rất cần sự thanh tra toàn diện các trường của Bộ GD-ĐT".

Đồng quan điểm, BĐ Tấn Vũ Nguyễn cho rằng: "TP.HCM nên rà soát lại tất cả các trường tiểu học, sai trái là do hiệu trưởng chứ không phải do giáo viên, giáo viên làm theo chỉ thị của hiệu trưởng, nếu không làm theo thì bị đì, bị đánh giá cuối năm. Nên có quy định rõ ràng, không chèn ghép những môn tự nguyện vào giờ chính khóa, nếu có thì cho vào cuối buổi của buổi học.

Tôi cực kỳ ghét và có phản đối quyết liệt, nhưng cuối cùng cũng phải cho con học trong sự không hài lòng, vì nếu không cho học, cô giáo nói không ai quản lý những học sinh không học".

BĐ Ton Vo nêu quan điểm: "Vấn đề vẫn là thu thêm tiền ngoài học phí mà ra cả. Với nhà trường thì thu càng nhiều càng tốt, họ nghĩ mỗi học sinh thu thêm vài trăm vài triệu chia ra 9 tháng chả là bao, còn phụ huynh cuộc sống tới 70% là vừa đủ ăn, đa số lao động tự do chạy ăn từng ngày, việc thu học phí, bảo hiểm y tế, sách vở, giày dép, đồng phục... đã là gánh nặng nói gì việc thu thêm đủ thứ ngoài học phí mỗi tháng.

Giáo dục phải hướng đến sự bình đẳng nhưng việc tổ chức lại đang thành phân chia giai cấp giữa học sinh giàu và nghèo, tạo gánh nặng lên các hộ gia đình. Hãy trả mọi thứ về đúng với 2 chữ tự nguyện".

BĐ lấy tên 5AF phân tích: "Theo tôi tiếng Anh người nước ngoài dạy và STEM thu tiền quá nhiều. Môn này không nên cho vào chương trình chính khóa. Như tiếng Anh một trường ở quận 12 TP.HCM khoảng 3.700 em, một năm thu 678 triệu. Thử hỏi thuê giáo viên nước ngoài thì bao nhiêu?".

Một BĐ cung cấp thông tin: "Tôi rất đồng tình khi không thu tiền buổi 2 của học sinh. Nhưng bên cạnh đó vì chưa có chế độ tiền lương cho giáo viên ở buổi 2 nên một số trường nghĩ ra nhiều cách như tổ chức các câu lạc bộ (các câu lạc bộ đó đôi khi các giáo viên chủ nhiệm phải đảm nhận) để nhằm thu tiền của phụ huynh và lấy số tiền đó trả lương cho giáo viên trong buổi 2.

Theo BĐ này, mặc dù một số phụ huynh không có nhu cầu cho con học các câu lạc bộ đó nhưng vì các câu lạc bộ lại tổ chức ở trong giờ, nếu các em không tham gia thì các em sẽ ra ngoài không ai quản lý hoặc về quá sớm không ai đưa đón. Vì thế trên tinh thần tự nguyện nhưng phụ huynh đều phải buộc lòng đăng ký cho con học.

"Tôi mong rằng Bộ GD-ĐT tạo xem xét chế độ tiền lương cho giáo viên vào buổi 2 để không gây ra tình trạng lạm thu, chương trình quá tải cho giáo viên và học sinh", BĐ này đề nghị.

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Nếu sai Bộ GD-ĐT chấn chỉnh thế nào? - Ảnh 3.

Một hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh tiểu học

ẢNH MINH HỌA: NGỌC DƯƠNG


Chờ giải pháp mạnh từ Bộ GD-ĐT 

Nhiều BĐ bày tỏ vui mừng khi Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học khẳng định việc chèn nội dung dạy học tự nguyện vào giờ học chính khóa là sai quy định nhưng mong Bộ GD-ĐT có văn bản hoặc giải pháp chấn chỉnh quyết liệt các địa phương làm sai chứ không chỉ khẳng định đúng - sai.

BĐ Hồ Hồ viết: "Chèn các môn học 'tự nguyện' vào thời gian chính khóa là sai, vậy sao các phòng, sở giáo dục là cơ quan quản lý trực tiếp của ngành đối với các trường học phổ thông song vẫn để các trường học lộng hành làm sai, song không ai chịu trách nhiệm, chỉ có học sinh và phụ huynh phải chịu hậu quả của việc làm sai đó?

Vì lý do gì hay đằng sau đó có gì khuất tất hay không các cơ quan quản lý giáo dục phải nghiêm khắc kiểm tra xử lý, trả lại quyền bất khả xâm phạm của người học và người dạy".

BĐ The Sun cho rằng: "Theo ý kiến của ông Thái Văn Tài thì Bộ GD-ĐT nên có văn bản chỉ đạo đến từng hội đồng nhà trường để chấm dứt ngay tình trạng này. Hiện nay học sinh và phụ huynh chúng tôi rất bất bình về việc này".

BĐ Trương Mùi thì đề nghị, nếu Bộ GD-ĐT đã khẳng định là sai thì "cần có thông báo khẩn, và biện pháp mạnh về xử lý đến các nhà trường, chứ còn chỉ nêu ý kiến không thì đâu lại vào đấy".

BĐ Ken Man mong có biện pháp để "yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ. Các chương trình tự nguyện phải tổ chức ngoài giờ chính khóa. Ai muốn thì học, không thì về... Còn nhập nhèm như hiện tại chính là ép buộc học sinh phải học. Phụ huynh chúng tôi phản đối".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.