Phụ huynh chóng mặt với danh sách các môn "tự nguyện"
Đầu năm học 2023-2024, các trường tiểu học ở TP.HCM giới thiệu hàng loạt các môn được gọi là "tự nguyện" từ năng khiếu, kỹ năng sống, tiếng Anh với người nước ngoài, nay có thêm STEM, và cả tin học quốc tế…
Nhà trường phát phiếu lấy ý kiến của phụ huynh về các khoản thu đầu năm kèm theo danh sách liệt kê những môn học thêm này.
Phụ huynh có thể đồng ý hay không đồng ý về việc đóng tiền, đăng ký cho con học thêm những môn này. Nếu phụ huynh đồng ý với các khoản thu nhà trường đề ra và đăng ký thì tổng số tiền phải đóng hàng tháng (bao gồm tiền bán trú) có thể trở thành áp lực tài chính đối với gia đình có thu nhập mức trung bình trở xuống.
Trong trường hợp phụ huynh không đăng ký, học sinh sẽ phải ngồi lại trong lớp với cô chủ nhiệm để các bạn đi học thêm các môn "tự nguyện" ở phòng khác. Đây cũng chính là điều khiến nhiều phụ huynh miễn cưỡng đăng ký các môn "tự nguyện" vì không muốn con mình ngồi "cô đơn" trong lớp.
Đáng chú ý, nguồn giáo viên dạy những môn này xuất phát từ các trung tâm giáo dục, công ty bên ngoài ký hợp đồng với nhà trường. Từ thực tế này phụ huynh nhận thấy trường tiểu học công lập giờ đây không khác gì một tổ hợp bao gồm những trung tâm dạy thêm, trung tâm ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống…
Chiếm dụng giờ học chương trình chính thức?
Tại trường tiểu học của con tôi ở H.Hóc Môn (TP.HCM), ban giám hiệu chèn tiết học giáo dục STEM vào thời khóa biểu chính thức buổi sáng.
Tôi đã đặt vấn đề này với giáo viên. Cô nói rằng ban giám hiệu giải thích là do có quá nhiều lớp nên không thể sắp xếp thời khóa biểu cho những môn học thêm vào buổi chiều (lớp bán trú).
Như vậy, nhà trường đang chiếm dụng giờ học chương trình chính thức để tổ chức dạy thêm? Cách sắp xếp thời khóa biểu như vậy là đúng quy định ngành giáo dục hay không?
Ngoài ra, theo chương trình mới, bộ sách Chân Trời Sáng Tạo lớp 1 bao gồm các môn tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội, đạo đức, mỹ thuật và hoạt động trải nghiệm. Mỗi môn đều có sách giáo khoa chính thức kèm sách vở bài tập với nhiều nội dung bài học phong phú được thiết kế nhằm mang đến đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Không ít phụ huynh thắc mắc liệu rằng khung chương trình mới chưa thể đáp ứng mục tiêu phát triển kỹ năng, phẩm chất học sinh nên các trường tiểu học công lập phải giới thiệu thêm những lớp năng khiếu, STEM, kỹ năng sống, tin học trong nước lẫn tin học quốc tế?
Rõ ràng môn hoạt động trải nghiệm có mục tiêu rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhưng nhà trường vẫn tổ chức lớp "kỹ năng sống", thu thêm khoản tiền riêng cho tiết học này hằng tháng.
Đã đến lúc ngành giáo dục nên xem xét lại việc các trường xen kẽ những tiết học phụ này vào chương trình chính thức để tránh tình trạng trường tiểu học trở thành tổ hợp các trung tâm dạy thêm.
Và một trong những động thái là một số tỉnh thành như Nghệ An, Phú Thọ, An Giang yêu cầu các trường tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống.
Bình luận (0)