Chênh chao mùa lũ quê nhà

17/11/2020 08:00 GMT+7

Quê tôi nằm nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Hết nắng cháy da lại đến mưa thối đất, rét buốt thấu xương.

Ngoài đặc sản là gió Lào bỏng rát thì lũ lụt thường xuyên cũng tạo nên một dấu ấn khó nhọc rất riêng của mảnh đất miền Trung. Những trận lũ cứ thế đi qua đời tôi và ăn sâu bám chặt vào tiềm thức. Màu của nước lũ, của rều, của sậy, của những ánh mắt u buồn như một sự nhắc nhớ tôi, dù ở đâu, làm gì, hãy luôn nhớ về vùng quê lam lũ nơi mình đã sinh ra...
Con sông Lam cạnh nhà thường ngày hiền hòa, nên thơ là thế nhưng cứ độ rằm Trung thu trở đi, khi những trận mưa trên nguồn ầm ào tuôn xuống, màu nước đục ngầu chảy về là người dân quê tôi lại chuẩn bị tinh thần chạy lũ.
Cha tôi có biệt tài đoán lũ. Trong góc vườn nhà, ông trồng một bụi cây ngải tướng quân rất to. Cứ tầm cuối tháng bảy là hoa bắt đầu nở. Những bông hoa ngải tướng quân như những thanh gươm tuốt khỏi bao, chĩa thẳng lên trời. Nhìn vào hướng và sắc thái của “thanh gươm” ngải tướng quân mà cha tôi đoán được năm nay lũ lớn hay lũ vừa. Quả đúng như vậy.
Sống cùng lũ nên những ngôi nhà ở quê tôi đều có gác để đồ. Mái ngói tây, ngói vảy sẵn sàng được tháo ra để người, chó, mèo có thể chui ra khi nước ngập qua cửa chính. Nhà nào cũng sắm một chiếc thuyền nan hoặc gần đến lũ thì mua nứa kết bè để làm phương tiện đi lại.
Khi nước dòng Lam dâng cao, bắt đầu tràn qua mặt đường là gia đình tôi gói ghém đồ đạc đưa lên gác mái. Những thứ quan trọng như sách vở, xe đạp, đồ điện thì đem lên gửi những nhà ở trong đê. Bà con trong xóm ai nấy đều rục rịch chạy lụt. Tiếng nước nhóp nhép, tiếng người, tiếng mái chèo khua rầm rập suốt đêm. Tôi đổ đầy dầu vào hai chiếc đèn bão, mua mấy cặp pin “Con thỏ” lắp sẵn vào đèn để thức đêm trực lũ. Cha tôi lấy chiếc que cắm xuống vườn, một lúc lại lôi lên để xem mức nước. Ông bấm tay nhẩm tính và cho biết, với tốc độ như này thì tầm bốn giờ sáng nước sẽ tràn vào nhà.
Nước lũ kéo theo biết bao nhiêu là rều rác từ mạn ngược đổ về, có cả những thân cây to mấy người ôm không xuể. Người dân quê tôi lại có cơ hội đi vớt rều, vớt những thân lau sậy về tấp đống để làm chất đốt cho mùa đông sắp tới. Tôi nhớ mãi, vì mải theo vớt đám rều mà chiếc thuyền nan nhỏ nhoi của tôi trôi ra mé sông và bị dòng nước lũ cuốn đi. Tôi ra hiệu, kêu to để mọi người cứu giúp. Rất may, mẹ tôi đã nhìn thấy. Lập tức, mẹ trèo ngay lên chiếc thuyền gỗ lớn của bà con vạn chài và nhờ họ chèo về phía tôi, quẳng dây và kéo chiếc thuyền nan mỏng tang trở về. Đận ấy, nếu không có sự cảm nhận bằng trái tim của tình mẫu tử thiêng liêng, không biết phận đời tôi sẽ ra sao...
Nước ngập gần tới nóc nhà, cả xóm nhỏ tiêu điều cay đắng. Chợt nghe tiếng trống ì ùng phía ngoài kia vọng lại, mới hay có người vừa mất đêm qua. Tôi chèo thuyền nan chở mẹ đi ra xóm ngoài để thắp nén nhang viếng người quá cố. Con thuyền nhỏ nhoi lướt đi giữa mênh mông nước bạc, dưới kia là vườn tược, là công sức, mồ hôi của mẹ cha, của xóm làng một nắng hai sương nay trở nên mất trắng. Chiếc quan tài đóng vội được đặt trong lòng chiếc thuyền buộc vào cây cau trước sân nhà tang quyến. Bát nhang là chiếc chậu nhôm đựng cát, những chân nhang xiêu vẹo như những mảnh đời khốn khó, mong manh. Ông hàng xóm ngồi trên bè nứa thỉnh thoảng điểm vài tiếng trống đơn côi, nghe sao mà tang thương, đắng đót vô cùng...!
Trước cổng nhà tôi có một cây phượng vĩ cổ thụ, to nhất vùng. Cành phượng uồm sang cả con đường, trên đó có một chạng ba rất chắc chắn. Đó chính là chỗ ở của mấy cha con tôi nếu năm nào lũ ngập nóc nhà. Cha tôi dùng thang và mấy cây tre bắc ngang trên chạng ba cây phượng rồi trải mấy cánh cửa lên, căng thêm tấm bạt. Thế là có chỗ nghỉ ngơi sau những giờ canh nước. Trên căn lều độc đáo ấy, buổi tối, mấy gia đình hàng xóm chèo thuyền đến, trèo lên uống nước, bàn chuyện thế sự nhân tình râm ran khắp cả xóm nghèo.
Thường thì nước lũ chỉ lưu lại độ khoảng một tuần là rút hết. Bất kể đêm hay ngày, nước rút đến đâu phải dùng xô, chậu hắt lên để chùi rửa nhà cửa và đẩy bùn, rác rưởi ra khỏi nhà đến đó. Lũ tan rồi nhưng hàng tháng sau, xóm nghèo quê tôi vẫn chưa trở lại được cuộc sống bình thường.
Độ gần chục năm nay, quê tôi vẫn có lũ nhưng rất nhỏ, hầu như nước không vào nhà. Nguyên do là thủy điện Bản Vẽ ra đời đã cắt, giảm lũ cho vùng hạ du. Cuộc sống của bà con giờ đây đã khá hơn nhiều nhưng trong tâm trí họ, hình ảnh dắt nhau chạy lũ những năm tháng cũ vẫn còn ám ảnh khôn nguôi...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.