Chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

22/06/2024 06:00 GMT+7

Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa gửi đến Thanh Niên báo cáo mới về tình hình kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Bức tranh nhiều gam màu

Theo đó, Công ty phân tích Moody's dự báo Các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang tốt hơn hầu hết các nền kinh tế trên toàn thế giới và dự báo đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 3,9% vào năm 2024 và 2025. Con số này không thay đổi so với dự báo tháng 5 của Công ty phân tích Moody's và cao hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần lượt là 2,6% và 2,7%.

Chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Ngành bán dẫn giúp thúc đẩy kinh tế APAC (Trong ảnh: phòng thí nghiệm vi mạch của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Ngọc Dương

Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa các nền kinh tế ở khu vực trong năm nay. Cụ thể, VN, Ấn Độ, Philippines và Indonesia được dự kiến tăng trưởng GDP thực tế hơn 5% trong năm nay, kế đến là Trung Quốc ở mức 4,9%. Trong khi đó, Úc, New Zealand và Nhật Bản được đánh giá tăng trưởng từ 1% trở xuống. Phần còn lại của APAC sẽ có mức tăng trưởng từ 2 - 4%.

Theo báo cáo trên, xuất khẩu tăng và nhu cầu nội địa mạnh hơn đã thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn dự kiến trên hầu hết các khu vực trong quý 1 vừa qua. Nhu cầu về chất bán dẫn tiên tiến đã đem đến nhiều đơn hàng cho Đài Loan và Hàn Quốc. Tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn cũng góp phần tăng sản lượng chung của khu vực. Xuất khẩu từ các nơi khác trong khu vực cũng đang hoạt động tốt hơn, mặc dù Đông Nam Á vẫn chưa cho thấy sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đối với các loại chip cũ mà nước này sản xuất. Các lô hàng từ các nhà sản xuất hàng hóa của APAC dường như cũng đang quay đầu khi giá hàng hóa thấp hơn đã kìm hãm giá trị xuất khẩu trong năm qua. Và du lịch trên toàn khu vực đang dần phục hồi.

Chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương- Ảnh 2.

Nhưng với những nền kinh tế đang có nợ của các hộ gia đình cao như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan và New Zealand, kết hợp cùng việc tăng trưởng tiền lương giảm và lãi suất cao, đang trở thành áp lực cản trở chi tiêu hộ gia đình. Vì vậy, tiêu dùng khó có thể là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm với những nền kinh tế này.

Thách thức vẫn lớn

Theo đánh giá của Công ty phân tích Moody's, sự không chắc chắn xung quanh dự báo tăng trưởng kinh tế ở APAC phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực. Sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động tốt hơn, với sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cho thấy sự tăng trưởng vừa phải. Nhưng các hộ gia đình đang gặp khó khăn, khiến tiêu dùng suy yếu. Điều này trùng hợp với sự bất an chung trên thế giới ngày càng tăng về công suất dư thừa của Trung Quốc. Vào tháng 5, Mỹ đã công bố mức thuế mới và cao hơn đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc như xe điện và pin. Mexico, Chile và Brazil đã tăng thuế đối với thép Trung Quốc và EU vào tháng 6 đã nêu chi tiết thêm thuế đối với xe điện Trung Quốc. Đối mặt với viễn cảnh thị trường xuất khẩu suy giảm, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có dấu hiệu tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu dùng nội địa đã là một mục tiêu chính sách trong hơn một thập niên, nhưng có rất ít dấu hiệu tiến bộ rõ ràng.

Nhìn chung, kinh tế APAC đang tiến triển tốt hơn nhưng hiệu quả chưa tương xứng tiềm năng. Sự tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang ở dưới mức tiềm năng đồng nghĩa với việc còn quá sớm để khẳng định khi nào nền kinh tế khu vực ra khỏi khó khăn. Những thách thức chính trong giai đoạn tới là nhu cầu tiêu dùng ở thị trường thế giới nói chung không ổn định, việc nới lỏng tiền tệ vẫn bị trì hoãn ở nhiều nước. Nếu một đợt tăng giá hàng hóa mới hình thành sẽ khiến cho chính sách thắt chặt tiền tệ đè nặng lên nền kinh tế APAC. Xa hơn, sự thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, những va chạm địa chính trị và động lực tăng trưởng thay đổi ở Trung Quốc sẽ tạo ra những thách thức cho APAC trong trung và dài hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.