Bức tranh nhiều màu
Theo báo cáo trên, năm nay, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ tăng trưởng 3,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của kinh tế thế giới là 2,5%.
Trong đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc gặp khó vì nhu cầu trong nước giảm sút, cấu trúc đang mất cân đối và lĩnh vực bất động sản vẫn khó khăn. Thế nhưng, kết quả từ chính sách của Trung Quốc đến nay vẫn mờ nhạt.
Nhật Bản thì đối mặt với những thách thức quen thuộc. Mặc dù tiền lương ở nước này đã tăng nhưng vẫn chưa đủ để cản đà chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu. Xuất khẩu, vốn là động lực thúc đẩy GDP năm ngoái, đã tăng trưởng rất ít trong những tháng gần đây. Trong khi đó, các diễn biến gần đây vẫn chưa cho thấy việc tăng lương sắp tới sẽ đạt mức như kỳ vọng. Các nền kinh tế nổi bật về xuất khẩu công nghệ của châu Á như Đài Loan và Hàn Quốc thì cũng đang gặp khó khăn vì nhu cầu nội địa yếu.
Các nền kinh tế ở Nam Á và Đông Nam Á sẽ có mức tăng sản lượng mạnh trong năm nay, nhưng đà tăng trưởng không còn mạnh như thời kỳ đầu của hậu đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất chip ở Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Philippines và VN sẽ cải thiện đáng kể mức tăng trưởng vào cuối năm khi nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu tăng trưởng. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy kinh tế các nước này.
Các thách thức lớn
Theo báo cáo trên, hầu hết các nền kinh tế APAC theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, rủi ro về lạm phát vẫn còn cao. Trong 3 tháng qua, giá dầu thô Brent nằm ở mức 90 USD/thùng. Giá gạo tại châu Á cũng đang ở mức cao. Trong khi đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine hay Hamas - Israel nếu leo thang thì có thể khiến giá năng lượng lại tăng lên hoặc gây khó cho chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả APAC. Bên cạnh đó, năm nay sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, vốn có thể ẩn chứa những bất ngờ và sự thay đổi chính quyền có thể dẫn đến những thay đổi lớn về chính sách.
Những rủi ro chính mà APAC phải đối mặt trong trung và dài hạn là xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng như sự thay đổi động lực tăng trưởng ở Trung Quốc. Hai ngành công nghiệp tiếp xúc nhiều nhất với những rủi ro này là điện tử và ô tô. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ và cũng là nguồn cung cấp quan trọng cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử của APAC. Việc Mỹ trừng phạt Trung Quốc về chip bán dẫn đã tái cấu trúc lại ngành này. Và chính phủ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có những chính sách thu hút các nhà sản xuất chip về phía họ. Tất cả gây ra thách thức mới cho các nền kinh tế APAC. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty phân tích Moody's, các công ty sản xuất chip sẽ không rút khỏi APAC mà chỉ tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất.
Do thị trường bất động sản đang khó khăn, Trung Quốc dựa vào sản xuất và xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng mà trọng tâm phải kể đến là ô tô điện. Khi đó, các nhà sản xuất ô tô ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á, nổi bật là Thái Lan, sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô dùng động cơ đốt trong ở APAC sẽ gặp khó khăn khi ô tô điện Trung Quốc phát triển mạnh. Điều này còn có thể dẫn đến việc một số bên, như Liên minh Châu Âu tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt ô tô điện Trung Quốc vì được trợ giá sai quy tắc chung.
Bình luận (0)