Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chờ gì để khởi sắc?

05/02/2024 06:00 GMT+7

Giữa bối cảnh có nhiều khó khăn, để có thể khởi sắc thì kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cần được thúc đẩy bởi sự hồi phục của Trung Quốc, cải thiện tình hình ở Nhật Bản và sự cất cánh của Mỹ lẫn châu Âu.

Đó là nhận định trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được công bố bởi Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's - một trong 3 đơn vị đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chờ gì để khởi sắc?- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản vẫn là một thách thức của kinh tế Trung Quốc

Reuters

Trung Quốc cần thêm kích thích

Đối với Trung Quốc trong năm nay, thị trường bất động sản sẽ vẫn là vấn đề gai góc nhất. Đầu tư bất động sản đã giảm mạnh 9,6% trong năm ngoái, khiến đầu tư tư nhân giảm 0,4%. Dự kiến năm 2024, nước này sẽ có thêm chính sách hỗ trợ ngành bất động sản thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà và chủ đầu tư có thể sẽ lớn hơn với lãi suất thấp hơn. Nếu giảm sức ép, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ gây áp lực lên hàng hóa, sản xuất và tiêu dùng.

Giả định rằng nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm 2024, đầu tư sản xuất sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Báo cáo của Moody's kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ có thêm nhiều chương trình kích thích phát triển các ngành như ô tô, thiết bị điện và điện tử công nghệ cao. Nếu không có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, GDP của Trung Quốc khó đạt được mức tăng trưởng 5% trong năm 2024.

Hỗ trợ chính sách tài khóa cũng sẽ là quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Sự phục hồi của Trung Quốc dự kiến sẽ nhận được sự thúc đẩy từ các khoản trợ cấp hoặc ưu đãi thuế. Các nhà hoạch định chính sách đã do dự trong việc chỉ đạo hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Để biết chính xác các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc, có lẽ cần chờ đến kỳ họp lưỡng hội vào tháng 3. Đó là 2 cuộc họp thường niên quan trọng diễn ra cùng thời điểm của 2 cơ quan là: Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) và Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (tương tự Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN).

Nhật Bản chờ tăng lương

Triển vọng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2024 cũng khiêm tốn và khó tăng tốc về tăng trưởng sản lượng trong nửa đầu năm. Mặc dù chính sách tài khóa sẽ giữ cho nền kinh tế không xấu đi, nhưng cũng khó tạo ra tăng trưởng mạnh cho đến giữa năm - thời điểm bắt đầu tăng lương cho lực lượng lao động.

Lạm phát giảm dần và kết quả đàm phán tiền lương dự kiến sẽ giúp mức tăng lương thực tế (tức sau khi đã trừ đi lạm phát) đạt mức dương vào khoảng giữa năm 2024. Điều đó giúp thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời giúp tăng chi tiêu đầu tư. Kèm theo đó, nửa sau năm 2024 cũng được kỳ vọng thị trường Mỹ và châu Âu dần khởi sắc hơn. Việc xuất khẩu tăng trưởng sẽ thêm sức sống cho nền kinh tế Nhật Bản. Khi ngân hàng trung ương các nước cắt giảm lãi suất từ giữa năm 2024, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa Nhật Bản sẽ tăng lên.

Đông Nam Á vẫn nhiều triển vọng

Không giống như ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhu cầu trong nước đóng vai trò mạnh mẽ trong việc ổn định tăng trưởng ở Đông Nam Á vào năm 2023. Năm nay, điều này cũng tiếp tục được kỳ vọng khi các nhà xuất khẩu chờ đợi chi tiêu thương mại và đầu tư toàn cầu tăng lên. Hơn nữa, sự trở lại của khách du lịch từ Trung Quốc, được hỗ trợ bởi công suất chuyến bay mở rộng và nới lỏng các yêu cầu thị thực trên toàn khu vực, bao gồm khu vực Đông Nam Á.

Một động lực khác để các nước Đông Nam Á tăng trưởng là chính sách tài khóa dự kiến tiếp tục tập trung xoay quanh việc cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện hiệu quả và giảm chi phí. Indonesia, Philippines, Việt Nam đã tập trung vào các dự án như cơ sở hạ tầng đường bộ, cầu đường sắt và nâng cao năng lực điện tử.

Tại Đông Nam Á, vấn đề lạm phát đã được cải thiện trong năm 2023. Mặc dù vậy, rủi ro lạm phát vẫn chưa hoàn toàn mất đi ở Đông Nam Á cũng như nhiều khu vực khác. Một trong các nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng ở biển Đỏ làm gián đoạn thương mại giữa châu Âu và châu Á sau đó. Thời gian vận chuyển kéo dài hơn và giá dầu thô có thể sẽ tăng lên.

Ấn Độ nhiều khả quan

Theo đánh giá của Công ty phân tích Moody's, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2023. Xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ của Ấn Độ và chi tiêu tài khóa dồi dào trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 4.2024 sẽ giúp nước này trở thành nền kinh tế khởi sắc nhất trong APAC. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn như Bengaluru và Hyderabad.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.