“Cầu khỉ”, “cầu chết” là tên người dân địa phương đặt cho cầu gỗ thôn Phương Nhị (xã Hồng Dương, H.Thanh Oai, Hà Nội). Cây cầu bắc qua sông Nhuệ này có chân bằng sắt, mặt ghép từ ván gỗ, do người dân trong thôn tự góp tiền dựng lên từ vài chục năm nay để đi lại hằng ngày. Nếu không có cầu, mỗi lần mang quả trứng, mớ rau ra chợ, người dân phải đi vòng quãng đường xa gấp 3 lần.
Tuy nhiên, do thời gian, mặt cầu đã xuống cấp từ nhiều năm nay, ván gỗ mục gãy và xô lệch khiến người và phương tiện qua lại thường trượt ngã và rơi xuống sông Nhuệ.
|
Dẫn chúng tôi mục sở thị cây cầu này, ông Nguyễn Văn Bái, 61 tuổi, người thôn Phương Nhị có trang trại nuôi vịt sát chân cầu kể từ tết Nguyên đán tới giờ, ông đã 3 lần phải hỗ trợ người gặp nạn. Mặt cầu nhỏ hẹp nên khi bị ngã, cả người và xe đều rơi xuống sông, nếu không có người ứng cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
“Sợ nhất là vào mùa lũ, nước sâu từ 5-7 m. Ai chẳng may ngã xuống là bị cuốn đi ngay”, ông Bái kể.
Có nhiều lần chứng kiến người đi qua cầu gặp nạn, ông Nguyễn Văn Vận, cùng ở thôn Phương Nhị cho rằng cây cầu này không dành cho người yếu bóng vía. Người dân sinh sống hai bên cầu ít ai có đủ dũng khí đi xe máy, xe đạp qua cầu mà chỉ dắt bộ để đảm bảo an toàn. Nếu trên xe chở hàng nặng thì có dắt bộ qua cầu nhưng không có người hỗ trợ phía sau cũng dễ gặp rủi ro. Trên thực tế, nhiều người dân địa phương từng nhiều lần mất trắng hàng hóa khi xe bị rơi xuống sông.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bái, sau 2 năm trở thành công dân thủ đô, năm 2010, người dân trong khu vực được thông báo có dự án xây cầu bê tông thay thế cầu gỗ, cách cầu cũ khoảng vài chục mét khiến cả làng vui như mở hội. Nếu có cầu mới, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống, chăn nuôi tại địa phương thông thương dễ dàng, cuộc sống người dân chắc chắn sẽ đi lên.
Nhưng từ khi có tin về dự án xây cầu mới đến nay, chỉ thấy có 2 đoàn công tác về đo đạc rồi thôi, trong khi cầu khỉ đang xuống cấp từng ngày khiến số vụ tai nạn rơi, ngã trôi sông cũng nhiều hơn.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương, ông Nguyễn Duy Hùng xác nhận dự án xây dựng cầu Hồng Phú được UBND TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2010, giao cho Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dự án có tổng giá trị đầu tư gần 40 tỉ đồng nhưng đến nay chưa được triển khai, dù xã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan cấp trên ưu tiên đầu tư.
“Trong thời gian chờ ngân sách đầu tư xây cầu mới, xã thường xuyên thông báo nhắc nhở người dân chỉ đi bộ qua cầu cũ nhưng do tâm lý chủ quan, nhiều người đã cố tình phóng xe qua đây nên đã ngã xe, rơi xuống sông Nhuệ”, ông Hùng nói.
Cây cầu bê tông kiên cố là mơ ước từ bao đời nay của người dân bên bờ sông Nhuệ tại xã Hồng Dương và xã Phú Túc. Nhưng theo lời ông Nguyễn Duy Hùng đã chia sẻ, dự án hiện đang mới nằm trên giấy thì công trình này vẫn còn quá xa vời với người dân nơi đây.
Phan Hậu
>> Mênh mông sông Nhuệ
>> Bộ đội trắng đêm chống nước sông Nhuệ tràn bờ
>> Còn đâu sông Nhuệ…
>> Sông Nhuệ, sông Đáy kêu cứu!
Bình luận (0)