Những con số báo động
|
Kỹ sư Đoàn Văn Hùng - Trưởng phòng Thủy nông, Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác dịch vụ thủy lợi (QLKTDVTL) - cho biết: “Trước đây, các dòng kênh này rất sạch, vài năm trở lại đây bị ô nhiễm thường xuyên. Đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, là mùa khô hạn, rất dễ nhận thấy nước ở các dòng kênh này liên tục bị đổi màu. Có thời điểm, cách 3, 4 ngày lại có một đợt nước đen. Những lúc như thế, công ty buộc phải đóng hệ thống cống dẫn nước từ các kênh này vào các kênh nhỏ nhằm tránh tình trạng nước ô nhiễm xâm hại đến việc tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản của nông dân”.
|
Theo chỉ số quan trắc của Công ty QLKTDVTL, nước trên hệ thống kênh An Hạ - Thầy Cai đã có lúc vượt mức cho phép đến 230 lần. Chẳng hạn kết quả quan trắc đo tại vị trí cống T2-6 trên kênh Thầy Cai vào ngày 8.2 có chỉ số Colifoms là 4.300 MPN/100 ml, ngày 9.3 chỉ số này là 23.000. Ở cống TC2 - 18A kênh Thầy Cai, đo vào ngày 8.2 là 4.500, đến ngày 11.4, tăng lên 46.000, trong khi theo QCVN 39: 2011/BTNMT thì chỉ số cho phép là 200 (tức vượt 230 lần). Những chỉ số khác như COD, BOD5, Fe… có nhiều lúc vượt mức cho phép hàng chục lần.
Kỹ sư Hùng nói thêm: “Hệ thống thủy lợi ở đây vừa phục vụ cho tưới tiêu, vừa phục vụ cho việc phòng chống cháy rừng, do đó, chúng tôi không thể nào chặn nước mãi khi xảy ra ô nhiễm. Chặn nước ô nhiễm thì bảo vệ được bà con nông dân nhưng khi xảy ra hỏa hoạn thì sao? Ấy là chưa kể, ô nhiễm kênh rạch sẽ dẫn đến ô nhiễm các dòng sông lớn, trong đó có sông Sài Gòn”.
Chẳng lẽ bó tay ?
Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Củ Chi, TP.HCM - cho biết: “Hiện nay, việc xử phạt các đơn vị có hành vi vi phạm các quy định về môi trường, trong đó có xả thải được phân cấp cho quận huyện và thành phố. Dù biết nhiều doanh nghiệp (DN) xả thải gây ô nhiễm nhưng do các đơn vị này nằm trong KCN (thuộc thẩm quyền của thành phố) nên huyện chỉ có thể kiểm tra vòng ngoài rồi kiến nghị cấp trên xử lý, nhưng việc xử lý lại thiếu kiên quyết. Ví dụ như đối với 15 DN trong KCN Tân Phú Trung có hành vi xả thải, huyện nắm bắt, ghi nhận và từ tháng 4.2012 kiến nghị đến Sở TN-MT và Ban Quản lý KCN xử lý, huyện cũng đã gửi mẫu phân tích kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả”.
Bên ngoài KCN, trong 6 tháng qua, huyện đã kiểm tra, xử phạt nhiều DN, ra quyết định đình chỉ 15 DN. Một chuyên viên Sở TN-MT thì cho biết việc xử phạt còn có điều bất cập, là sau khi bị xử phạt nếu kiểm tra thấy DN đã khắc phục xong thì phải tiếp tục cho hoạt động, nhưng sau đó việc xả thải lại tái diễn.
Các KCN như KCN Đức Hòa 1, 2 (tỉnh Long An) hoặc KCN Linh Trung 3, KCN Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) dù nằm ngoài địa bàn TP.HCM nhưng nước thải lại chảy vào các kênh của TP.HCM, gây ô nhiễm. Ông Nguyễn Thanh Nguyên bức xúc: “Năm nào huyện cũng có văn bản kiến nghị thành phố kết hợp với các tỉnh lân cận xử lý, 6 tháng đầu năm nay chúng tôi đã 2 lần kiến nghị nhưng không thấy trả lời, chẳng hiểu vì sao”. Theo ông Nguyên, hiện kênh Thầy Cai có đến 3, 4 nguồn xả thải từ ngoài thành phố, Sở phải sớm tính toán, có cơ chế phối hợp với các tỉnh mới có thể giải quyết dứt điểm được, nếu không, ô nhiễm sẽ ngày càng cao hơn.
Để làm rõ những bất cập trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Thanh tra Sở TN -MT TP.HCM, nhưng một chuyên viên thuộc bộ phận thanh tra sở này giải thích rằng cán bộ thanh tra chỉ làm việc hành chính, nên nếu DN lén xả thải vào ban đêm thì đành chịu. Còn đối với các KCN ngoài thành phố, chuyên viên này cho biết “vừa qua, Sở đã có văn bản gửi Sở TN-MT tỉnh Long An và Tây Ninh đề nghị hai đơn vị này xử lý các trường hợp vi phạm xả nước thải ra các kênh rồi”.
6 tháng đầu năm 2012, trên toàn TP, Thanh tra TN-MT xử phạt 42 doanh nghiệp vi phạm các quy định về môi trường, UBND TP.HCM cũng ban hành quyết định tạm đình chỉ 9 đơn vị xả thải ra môi trường, trong số đó chỉ có 2 đơn vị xả thải ra kênh rạch. Con số này rất ít so với con số 83 đơn vị xả thải ra hệ thống kênh rạch chỉ riêng khu vực Hóc Môn - Bắc Bình Chánh. |
Hải Nam - Thanh Đông
>> Chết dần những dòng kênh
>> Xanh lại dòng kênh
>> Hãy bảo vệ dòng kênh để được dòng kênh bảo vệ
>> Hơn 54 tấn cá bè chết do ô nhiễm nguồn nước
Bình luận (0)