Chết trẻ vì tai nạn giao thông: Con không về với cha, với mẹ Tết này!

07/01/2019 11:53 GMT+7

Tết Kỷ Hợi 2019, không phải gia đình nào cũng có được thời khắc sum vầy bởi đã mất đi người thân vì tai nạn giao thông. Hai người trẻ, chỉ mới 20 - 22 tuổi vừa ra đi vĩnh viễn vì xe container “điên” ở Bến Lức.

Buổi chiều ngày 6.1 chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Mai Huỳnh Đức (ngụ Thạnh Hoá, Long An). Đức là một trong 4 người tử vong do tai nạn tại ngã tư Bình Nhựt. Danh sách "đen" ấy không chỉ gọi tên Đức, 20 tuổi mà còn có Cường, 22 tuổi và Duy 20 tuổi.
[VIDEO] Người nhà nạn nhân tai nạn ở Bến Lức bức xúc

Dang dở giấc mơ kỹ sư

Không khí đau buồn vẫn còn bao trùm ngôi nhà của Đức. Bà Lê Thị Bé Tám (mẹ Đức, 45 tuổi) ngồi bần thần trước sân không nói lời nào. Cha Đức, ông Mai Thanh Tâm (51 tuổi) vừa kể về người con trai vừa chực trào nước mắt. Bên trong nhà, bà của Đức, tóc đã bạc phơ, lâu lâu lại đến gần tấm ảnh Đức chụp chung với gia đình vừa khóc vừa cất tiếng gọi cháu.
 

Khi nhắc về tai nạn kinh hoàng vào hôm 2.1, ông Tám và bà Tâm không khỏi phẫn nộ về hành vi của tài xế lái container. Với họ, bao nhiêu tiền của cũng không thể đổi được tính mạng đứa con ngoan hiền.
Theo ông Tám, Đức là một người hiền lành, ngoan ngoãn. Từ nhỏ đến lớn, Đức chỉ biết học hành. Là học sinh giỏi suốt 12 năm, Đức thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô.
Từ ngày lên Sài Gòn học đại học, Quốc lộ 1 trở nên… quen thuộc hơn với Đức bởi cứ vào dịp lễ hoặc cuối tuần là Đức đều chạy xe máy về quê thăm ba mẹ. Nhưng con đường ấy lại đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một thanh niên 20 tuổi vào cái ngày 2.1 định mệnh.
"Ngày đó trời mưa, rồi khi hết mưa, bạn bè Đức gọi điện gọi đi chung để lên lại thành phố. Tôi thấy nếu con ở lại thì ngày mai sẽ đi một mình. Thế nên cho con đi. Lúc mới mưa, tôi cản hai ba lần rồi. Giờ thiệt tức mình là tôi không cản con quyết liệt hơn”, bà Tâm kể lại.
Khi xem lại video clip về vụ tai nạn, ông Tám càng thêm phẫn nộ. Bởi con trai ông đi đúng đường, dừng đèn đỏ đúng luật nhưng không thể tránh được cái chết oan.
Buổi chiều ấy, khi nhận tin dữ, ông bà Tám tức tốc chạy lên Bệnh viện đa khoa Bến Lức để tìm con. Đến nơi thì mọi hy vọng gần như vụt tắt. “Tôi chỉ mong nó bị thương nặng thôi, để còn nhìn mặt nó, còn nói chuyện với nó. Hoặc nó còn sống bị tàn tật để sống với mình cũng là ước nguyện nho nhỏ. Nhưng mà nó đi nhanh quá, không còn hy vọng gì nữa”, ông Tám kể lại trong nước mắt.
Khi hay tin Đức mất vì tai nạn, tinh thần gia đình ông Tám hoàn toàn suy sụp. Đến giờ này, vợ chồng ông vẫn không tin điều đó là sự thật. Bà con họ hàng của Đức từ mọi miền đất nước đều trở về để đưa Đức đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thậm chí, người đi đường khi biết tin khi đi ngang qua cũng vào thắp hương cho Đức.
Kể về con trai, vợ chồng ông Tám không thể kìm được nước mắt. Ông Tám nhớ về con đầy tự hào. Ông Tám kể: “Nó là một đứa cầu tiến, nó học giỏi lắm, nó biết nghĩ lắm. Mới ngày vừa rồi nó còn nói sau này con làm tiền bao nhiêu mang về phụ mẹ xây nhà. Ước nguyện của Đức với ba mẹ sau khi tốt nghiệp sẽ làm một kỹ sư của một tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Thế mà…”

"Ai giết con tôi rồi?"


Đêm 2.1, PV Thanh Niên lên chiếc xe về nhà lần cuối cùng của Trần Quốc Cường, 22 tuổi cũng thiệt mạng trong tai nạn xe container kinh hoàng ở Bến Lức. Trong hành trình xuyên màn đêm vượt 150 cây số để đưa Cường về nhà ở huyện Tân Hưng (Long An), chúng tôi không thể nào cầm được nước mắt khi chứng kiến những giây phút lặng đến ghê người, những lời kể đẫm nước mắt của người thân Cường
Để rồi khi Cường “về đến nhà” lúc 3 giờ sáng, chúng tôi mới thấm thía hơn nỗi đau của bậc sinh thành.
Bà Nguyễn Thị Chợ (sinh năm 1974), mẹ của Cường, ngã quỵ khi đón con về. Bảo, em trai của Cường, ào tới ôm chặt mẹ, khóc nấc. Ngay phía cửa, ông Trần Văn Việt (sinh năm 1969), cha Cường, nằm bất động, đầu tựa trên mấy bao trà khâm liệm, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà. Ông nghẹn giọng, không nói được lời nào.
Mẹ Cường vẫn gào khóc trong nước mắt, gượng đứng dậy nhìn mặt con trai. Bà đưa tay ôm ngực, nấc lên từng hồi, hơi thở khó nhọc. "Trời ơi là trời, Cường ơi là Cường! Mày mở mắt ra cho mẹ... Ai giết con tôi rồi? Mày mới nói về thăm mẹ mà! Mẹ mới dặn mày chạy xe cẩn thận, Tết nhất tới nơi rồi. Cường ơi, tỉnh dậy đi con. Trời ơi...", bà nức nở bên giường Cường nằm. Người thân dìu bà ra ngoài để thay quần áo Cường, chuẩn bị cho kịp giờ khâm liệm.
Người thân của Cường không tin được vì nỗi mất mát này quá lớn HOÀI NHÂN

Xa quá, nên mấy tháng nó mới về được một lần, vào lễ Tết hay được nghỉ phép gì đó. Mà không về là nó gọi điện, nói con đi làm mệt quá không chạy xe nổi, rồi nói nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nhà, nghe thương lắm! Nó nói Tết này nó về sớm. Rồi bây giờ nó về đâu...

Cha của Cường

Ông Việt như người mất hồn, thất thần đứng dậy. Tôi đỡ ông lại ghế ngồi, Giọng ông yếu ớt: "Nhà có hai thằng. Vợ chồng đầu tắt mặt tối, cỡ nào cũng ráng cho tụi nó đi học. Rồi đứa nào cũng đòi nghỉ, nói là thấy cha mẹ khổ cực quá, tụi con phải đi làm kiếm tiền. Chúng đi Sài Gòn, lo làm lo ăn. Vợ chồng tôi lủi thủi ở nhà, buồn nhưng thấy chúng chí thú làm lụng, cũng mừng ra mặt. Rồi coi đó, giờ vậy đó... Cái số, cái số hết mà!".
Cha mẹ Cường ngày ngày làm thuê, hết cắt lúa lại đến cắt cỏ, ai kêu gì làm nấy. Cái nhà tình thương nhỏ xíu, vỏn vẹn trên miếng đất ông bà cho. Đằng sau có cái ao trồng sen, mà ông Việt bảo đợt vừa rồi nước cao, tiêu hết. Câu chuyện đời bấp bênh xen trong tiếng khóc của bà Chợ.
Bà vẫn gào khóc, không ngưng được. Từng lời của bà khiến mọi người đến đám tang như nín thở: "Mấy hôm trước nó còn gọi về mà. Tôi mới dặn, Cường mày coi chừng thằng Bảo, không có để cho nó đi chơi bời. Tôi mới dặn mà, nó mới vâng dạ mà. Nó mới nói sắp về thăm cha mẹ mà..."
Ông Việt ngoái lại nhìn bà, rồi đưa tay lau nước mắt cứ tràn ra. Ông nói: "Ở xa quá, nên mấy tháng nó mới về được một lần, vào lễ Tết hay được nghỉ phép gì đó. Mà không về là nó gọi điện, nói con đi làm mệt quá không chạy xe nổi, rồi nói nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nhà, nghe thương lắm! Nó nói Tết này nó về sớm. Rồi bây giờ nó về đâu..." Nói rồi ông ngơ ngác: "Ủa rồi mấy giờ liệm. Sao giờ tôi không còn biết cái gì nữa..."
Nhà chỉ có 2 anh em, Cường vào Bảo ở trọ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Ngoài công việc ở môt công ty, Cường còn đăng ký chạy Grabbike để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cha mẹ. Giờ đây, Cường ra đi mãi mãi, bà Chợ và ông Việt mất đi một điểm tựa lớn còn Bảo mất đi một người anh lúc nào cũng thương yêu em.
Những gương mặt bần thần. Những giọt nước mắt không ngừng được. Những tiếng khóc tỉ tê và những lời nói trong vô thức. Tất cả lọt thỏm giữa bóng đêm tịch mịch, nơi vùng quê nghèo thưa thớt nhà cửa. Ở đâu người ta cũng xôn xao, nhưng ở đây, không ai nhắc về chuyến xe "điên" ở ngã tư Bình Nhựt, bởi đau đớn không thể nhiều hơn nữa. Vòng xe nghiệt ngã ấy đã lấy đi quá nhiều điều tốt đẹp, những mạng người vô tội và những cái Tết vẹn tròn.
Bảo im lặng rất lâu, cho đến khi tôi bắt chuyện. "Anh Hai lên TP.HCM lâu rồi, còn em chỉ mới lên vài tháng. Em vào ở trọ chung với anh hai và một người bạn ảnh. Anh hai làm công ty, rảnh thì có chạy thêm Grab, em thì đi ủi áo thuê. Hai anh em đều dặn nhau ráng đi làm để về lo cho ba mẹ. Vậy mà tự dưng ảnh bỏ ngang, còn có em làm...", Bảo kể. Nói được dăm ba câu, cậu ngồi bất động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.