Chỉ 20 ngày, Quảng Nam ghi nhận gần 42.000 ca đau mắt đỏ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
22/09/2023 12:44 GMT+7

Trong vòng 20 ngày, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận gần 42.000 ca đau mắt đỏ. Ngành y tế tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở bán thuốc lẻ.

Ngày 22.9, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị vừa có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế về việc tiếp tục phối hợp thực hiện công tác kiểm soát, phòng chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.

Theo ông Mười, hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) tiếp tục có chiều hướng gia tăng nhanh trên cả nước. Riêng ở Quảng Nam, từ ngày 1 - 20.9, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 41.800 ca bệnh. 

Trong đó, có 12.800 ca viêm kết mạc cấp tới khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tính từ ngày 18.9 đến nay, có 1.877 ca bệnh đến khám tại các cơ sở y tế, riêng tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam là 300 ca.

Chỉ 20 ngày, Quảng Nam ghi nhận gần 42.000 ca đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Nhiều người đến khám bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế

MẠNH CƯỜNG

Trước tình hình dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh, Sở Y tế đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra đột xuất các cơ sở bán lẻ thuốc; phát hiện xử trí kịp thời các trường hợp tăng giá bán (đặc biệt chú ý giá bán thuốc nhỏ mắt), các cơ sở quảng cáo điều trị không đúng chuyên môn...

Ngoài ra, chỉ đạo các trung tâm y tế thống kê số liệu đau mắt đỏ trong cộng đồng tại địa phương và báo cáo hằng tuần về Sở Y tế.

Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ. Giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ; triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng...

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Nam, cho biết triệu chứng phổ biến gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ; trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, viêm họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Bác sĩ Thu khuyến cáo, để phòng bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, nước sạch để ngăn nguồn lây và mầm bệnh. Không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng, vùng mặt để tránh tình trạng đưa mầm bệnh lên mắt.

Ngoài ra, cần vệ sinh mắt, mũi, họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, ít nhất 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối). Không dùng chung đồ với người bệnh như khăn mặt, kính mắt. Đối với những người đã bị bệnh mắt đỏ thì nên đeo khẩu trang y tế, đây cũng là biện pháp hiệu quả hạn chế lây lan tiếp xúc trực tiếp… Cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và người nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.