|
14 năm gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, Maiko Takenaka không chỉ tìm thấy ý nghĩa thực sự của công việc thiện nguyện cô theo đuổi mà còn là mong muốn khôi phục lại tình yêu vào những giá trị truyền thống trong giới trẻ Việt - Nhật.
Lần đầu tiên đến VN năm 2000, sau đó quay về Nhật, điều đầu tiên cô thực hiện là quyên góp, gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh mình đã gặp. Nhưng sau đó một thời gian, Maiko nhận ra đây không phải là một phương án lâu dài: “Vì việc cho tiền không thay đổi được thực trạng, mà có khi làm người được giúp trở nên phụ thuộc”. Maiko nhận xét: “Ở VN không thiếu những lớp dạy nghề cho trẻ đường phố. Nhưng học xong rồi, những đứa trẻ vẫn trở lại đường phố để kiếm sống bằng nghề cũ. Điều đó có nghĩa là những kỹ năng học được vô cùng lãng phí và hình như có gì đó không đúng trong cách thức giúp đỡ”.
|
Chính suy nghĩ này cũng là bước khởi đầu của dự án cộng đồng mang tên Furoshiki năm 2008, sau này đổi tên thành Maiko project (tạm dịch: dự án Maiko), với mục tiêu tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh không may tự nuôi sống bản thân bằng sức lao động của mình. Furoshiki có thể hiểu đơn giản là cách gói vật dụng bằng vải, nhưng nó là cả một nghệ thuật tặng quà truyền thống, độc đáo của người Nhật.
Không có một xưởng làm việc lẫn cửa hàng cụ thể, những sản phẩm được thực hiện ngay tại nhà của những người thợ rồi mang đến bỏ mối cho một số cửa hàng chuộng đồ thủ công trong thành phố và chương trình kịch xiếc À ố show.
Maiko cười cho biết doanh thu rất khiêm tốn, vì bản thân cô không biết tiếp thị hay quảng bá, nhưng nó phần nào đem lại thu nhập và niềm vui lao động cho những người được giúp đỡ. Trước đây, mỗi người “thợ” đều có thu nhập hằng tháng dù bán được hàng hay không, nhưng Maiko nói cô đang suy nghĩ đến một giải pháp khác.
|
“Sắp tới chúng tôi tính lại quy trình làm và bán sản phẩm, vì tôi có việc về Nhật nên thợ ở đây sẽ bầu ra một trưởng nhóm để quán xuyến. Chuyện quản lý này cũng tốt vì giả sử không có tôi ở đây, dự án vẫn chạy và họ vẫn có nguồn thu. Phải bán được hàng thì mới có thêm thu nhập, đó là quy luật nên bắt buộc chất lượng phải nâng cao và có hướng đi mới. Tôi cũng mong họ sẽ tự lập hơn để không chỉ giúp bản thân mà còn giúp được những người cùng cảnh ngộ khác nữa”, Maiko chân thành.
Dù không phải lúc nào sản phẩm cũng đạt chất lượng, lại không quá đa dạng vì tay nghề thợ không chuyên, nhưng theo Maiko, việc duy trì nghề thủ công là một điều vô cùng cần thiết trong bất kỳ xã hội nào.
“Ngay tại quê hương tôi, những ngành thủ công lâu đời cũng đang có nguy cơ mai một. Còn ở TP.HCM thì vấn đề này lại càng dễ thấy hơn, vì bây giờ người ta hay chuộng đồ sản xuất hàng loạt do giá rẻ. Nhưng ai cũng biết nghề thủ công không chỉ giúp cho tinh thần minh mẫn mà còn là cái gốc của văn hóa”, Maiko khẳng định.
Maiko cười tươi và nói: “Tôi hy vọng mọi người cảm nhận rằng làm thiện nguyện là một việc rất tự nhiên, chỉ cần trái tim chân thành, không cần cố gắng”.
Kim Nga
>> Giới trẻ Việt Nam ở Mỹ biểu tình phản đối Trung Quốc
>> Giới trẻ Việt viết game, làm giàu: Tại sao không?
>> Giới trẻ Việt Nam hưởng ứng ngày Trái Đất
Bình luận (0)