Thế nhưng, hành trình để tòa chung cư ấy có thể hoàn thiện và bán tới tay người dân còn khó tin hơn.
Dự án CT6 Kiến Hưng (Q.Hà Đông, Hà Nội) thi công từ tháng 10.2010, đến tháng 11.2012 hoàn thành và từ tháng 1.2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống. Trong quá trình xây dựng, dự án có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng từ thiết kế, thi công, giám sát cho đến nghiệm thu; đặc biệt, tòa CT6C cao 32 tầng với hơn 400 căn hộ không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Sai phạm của ông Thản đã rõ, bằng chứng là đại gia này bị truy tố tội lừa dối khách hàng, khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù, đồng thời phải bồi thường cho người mua nhà nếu có yêu cầu. Tuy nhiên, để sai phạm ấy có thể nảy sinh, "vươn vòi" rồi gây thiệt hại cho người dân, không thể không nhắc tới vai trò của chính quyền cơ sở.
Kết luận điều tra cho thấy khi xác minh tại UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông, cơ quan chức năng không tìm được bất cứ tài liệu, hồ sơ kiểm tra hoặc đề xuất biện pháp xử lý nào đối với dự án CT6 Kiến Hưng. Đồng nghĩa, những vi phạm bị đánh giá là nghiêm trọng của dự án này kéo dài suốt hơn 2 năm mà không hề bị "sờ gáy". Thật lạ lùng, công trình đồ sộ như vậy, nhất là việc xây dựng trái phép cả một tòa nhà 32 tầng, lại diễn ra êm xuôi, thuận lợi từ khi khởi công, hoàn thiện rồi rao bán công khai.
Làm việc với cơ quan điều tra, 488 khách hàng mua trúng các căn hộ không được cấp "sổ đỏ" của ông Thản cho hay thời điểm ký hợp đồng họ không hề biết dự án xây dựng không đúng quy hoạch. Điều này có lẽ hợp lý bởi không phải người dân nào cũng đủ am hiểu để kiểm tra tính pháp lý của căn hộ mình sẽ mua, họ chỉ biết đặt niềm tin vào sự tử tế và đạo đức của doanh nghiệp.
Thế nhưng, nếu người dân phải "phó mặc" thì vẫn còn một chốt chặn giúp họ phòng ngừa rủi ro, đó là chính quyền cơ sở. Nếu UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm, dự án CT6 Kiến Hưng đã không đi được tới ngày hôm nay. Nếu các cơ quan này làm đúng, làm hết trách nhiệm, có lẽ ông Thản đã không thể "lừa dối khách hàng", người dân không rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi mua nhà mà không được cấp "sổ đỏ".
Rõ ràng có sự thiếu trách nhiệm đến từ UBND P.Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng Q.Hà Đông, thể hiện qua việc 6 cựu lãnh đạo, cán bộ của 2 cơ quan cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, "thiếu trách nhiệm" đã phản ánh đầy đủ tính chất, hành vi của nhóm cán bộ; liệu có dấu hiệu dung túng, thậm chí là tiếp tay với sai phạm của doanh nghiệp hay không?
Còn nhớ, tình trạng "người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng không phát hiện ra" đã từng được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn lãnh đạo ngành hồi tháng 11.2022.
Nhắc lại thông tin này để thấy rằng việc ông Thản xây "chui" cả tòa chung cư mà không bị phát hiện, xử lý, không phải là chuyện cá biệt, duy nhất. Nó như một hiện tượng, mà dư luận vẫn thường gọi là "con voi chui lọt lỗ kim", ở đó có sự buông lỏng quản lý, nghiêm trọng hơn là dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng của các cơ quan, cán bộ có thẩm quyền..
Bình luận (0)