Học sinh được quan tâm, bạo lực sẽ giảm

TS Nguyễn Văn Hòa (*)
(*) Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)
23/04/2023 06:12 GMT+7

Gần đây lại rộ lên các câu chuyện về bạo lực học đường làm bận tâm và đau lòng các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục.

Nếu đã coi đó là đạo đức thì vi phạm đạo đức cần phải lên án, phải xử lý. Nếu coi đó là kỷ luật thì cần xử lý học sinh nghiêm hơn, nặng hơn.

Nếu coi đó là áp lực thì chúng ta phải tìm mọi cách để giảm áp lực.

Nhưng tôi nghĩ bạo lực học đường thực ra đó là những vấn đề thường ngày mà nhà trường phải lường trước và tìm cách đối diện, giải quyết. Đã là trẻ con thì rất nhiều chuyện xảy ra. Tôi đã làm hiệu trưởng hơn 20 năm và hằng ngày phải xử lý rất nhiều chuyện: quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh và thầy cô giáo, thầy cô giáo với cha mẹ học sinh... Đó là những chuyện rất đau đầu và chiếm nhiều công sức, trí tuệ của tôi.

Tôi nghĩ là mình không thể trực tiếp xử lý hết được, mà làm thế nào để các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường tự xử lý các vấn đề, xử lý tốt đẹp các vấn đề về bạo lực để từ chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ biến thành vừa và vừa thành không có gì; phải làm cho môi trường của nhà trường thân thiện hơn, học sinh được hạnh phúc hơn. Phương pháp xử lý của chúng tôi là đưa giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống vào trong nhà trường, các thầy cô giáo đã xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn. Tôi cho rằng đây là giải pháp hàng đầu đối với các trường.

Để giải quyết bạo lực học đường, tôi có đề nghị với các cơ quan quản lý, trước hết chúng ta đang chuyển từ giáo dục chỉ cung cấp kiến thức sang giáo dục để phát triển con người, phát triển năng lực toàn diện, thì những quy chế, quy định về giáo dục, dạy học đã tồn tại từ 50 - 60 năm nay rồi cần phải thay đổi.

Theo tôi, cần thay đổi nhất là quy chế về đánh giá học sinh. Việc nhìn nhận học sinh của chúng ta trong thời đại này không phải dưới lăng kính điểm số, không phải theo con mắt đánh giá "dán tem dán nhãn", phân loại con người như chúng ta đã làm trong nhiều năm nay nữa.

Nhà trường không quá nặng về xử lý kỷ luật hay đánh giá về đạo đức giáo viên mà cần đưa vào các giá trị và kỹ năng; bồi dưỡng cho giáo viên, giúp họ biết quản lý cảm xúc của mình và chuyển hóa cảm xúc đó: từ áp lực thành động lực, từ những vấn đề căng thẳng hằng ngày trở thành những chuyện họ có thể xử lý được và có động lực phấn đấu, cảm thấy hạnh phúc hơn. Bởi, giáo viên hạnh phúc thì học sinh sẽ hạnh phúc và nhà trường sẽ đạt được kết quả giáo dục ở tầm cao.

Nhà trường cần đặt ra 3 mục tiêu: xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, học sinh đến trường phải được hạnh phúc và trò nào cũng được quan tâm, khích lệ để tiến bộ. Những tiêu chí đó trở thành những tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, chất lượng giáo dục của các thầy cô. Thầy cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết bạo lực học đường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.