Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, mối lo ngại về việc ứng dụng ChatGPT để “học thay” học sinh hoặc “dạy thay” giáo viên là chưa cấp thiết, vì khả năng của ChatGPT còn xa mới có thể tiếp cận được tư duy, lập trường của con người.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng: "Giảng viên, giáo viên hiện nay cũng đã ý thức rất cao về việc học viên có thể thu thập kiến thức ở nhiều nơi và đôi khi họ có thể vượt trội về những kiến thức đơn lẻ. Ở đây, trong câu chuyện giáo dục, các đề tài mang tính khoa học, nghĩa là “tài chọn đề” thì nó không chọn cho mình được mà phải có thầy cô giáo dẫn dắt".
Về phía lĩnh vực quản lý giáo dục, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, cần vận dụng tốt ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng để nó có thể trở thành một công cụ sắc bén hơn cho học sinh, sinh viên và cả những thầy cô giáo đang hoạt động trong ngành giáo dục. Trong đó, nhấn mạnh tính chính thống của nguồn dữ liệu cung cấp cho ChatGPT được đặt lên hàng đầu.
"Nếu chúng ta cung cấp nguồn thông tin chính thống từ sách giáo khoa thì công cụ này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà trường, giáo viên để con em chúng ta có thể học được với chất lượng và hiệu quả cao hơn", ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu tại tọa đàm.
Bình luận (0)