Chỉ mất 25 năm để tan lớp băng tích tụ trên đỉnh Everest suốt 2.000 năm

04/02/2022 16:09 GMT+7

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ gia tăng trên bình diện toàn cầu đang đẩy sông băng cao nhất thế giới trên đỉnh Everest vào tình trạng tan băng ở mức độ nghiêm trọng, theo Đài CNN hôm 4.2.

Đỉnh Everest

afp

Theo các nhà nghiên cứu, Sông băng South Col của núi Everest mất khoảng 2.000 năm hình thành, song chỉ cần ¼ thế kỷ để “bốc hơi”. Điều này có nghĩa là băng tại đây đang mỏng đi nhanh gấp 80 lần so với hình thành.

Trong khi tình trạng băng tan được nghiên cứu tại nhiều nơi trên thế giới, những sông băng ở các đỉnh núi cao nhất hành tinh lại bị lãng quên, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Portfolio Journal Climate and Atmospheric Science.

Một đội ngũ các nhà khoa học và người leo núi, bao gồm 6 thành viên của Đại học Maine (Mỹ), đã đến Sông băng South Col vào năm 2019 và thu thập mẫu từ lõi băng chiều dài 10 m.

Họ cũng lắp đặt hai trạm thời tiết ghi nhận số liệu tự động tại đây, với hy vọng có thể tìm ra đáp án cho câu hỏi: Liệu những sông băng cao nhất và thường ít được giới khoa học chú ý có bị ảnh hưởng bởi tình trạng thay đổi khí hậu do con người gây ra hay không?

“Câu trả lời chắc chắn là có, và diễn ra vô cùng đáng kể từ cuối thập niên 1990”, Đài CNN dẫn lời ông Paul Mayewski, trưởng đoàn thám hiểm và là Giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Maine.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện mới không những xác nhận biến đổi khí hậu đang xảy ra tại nơi được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới”, mà còn bẻ gãy sự cân bằng then chốt mà nơi này duy trì giúp con người trong thời gian qua.

Kết quả cho thấy Sông băng South Col mất đi khoảng 55 m băng trong 25 năm và bị đẩy vào tình trạng không còn đủ sức đẩy bật bức xạ từ mặt trời, khiến quá trình tan băng đang tăng tốc.

'Sông băng Ngày tận thế' có thể tan rã trong 3 năm

Phát hiện trên là lời cảnh báo về nguy cơ băng tan nhanh chóng đang diễn ra tại một số đỉnh núi cao nhất thế giới. Hậu quả là tuyết lở sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, đe dọa những người leo núi.

Đồng thời, nguồn nước sinh hoạt thiết yếu và phục vụ cho hoạt động tưới tiêu, thủy điện cho khoảng 1,6 tỉ người cũng đang bốc hơi và giảm mạnh trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.