“Nói chống ngập chung chung thì không ra. Mà phải đi cụ thể từng địa điểm như vậy mới thấy. Nhà các đồng chí đâu có ở đó đâu mà hiểu được nỗi khổ của người dân”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói với lãnh đạo sở, ngành và các quận sau khi trực tiếp thị sát một số điểm lấn chiếm kênh, rạch.
Nhà xây ngay trên rạch…
|
Điểm thị sát đầu tiên là kênh A41, P.4, Q.Tân Bình, nơi thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ghi nhận của PV Thanh Niên đi theo đoàn, tại các đường Sầm Sơn, Đồ Sơn, Giải Phóng nằm ở khu vực con kênh này, nhiều căn nhà lấn chiếm kênh, bít gần hết lối thoát nước. Tại rạch Cầu Suối trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), đang có tình trạng nhà xây dựng ngay trên rạch. Có nơi con rạch chỉ còn rộng 1 m nhưng lại là lối thoát nước chính từ P.Tân Chánh Hiệp ra P.Đông Hưng Thuận trước khi đổ ra kênh Tham Lương. “Vì vậy, khu vực này ngập cả mét khi mưa lớn”, một cán bộ Thanh tra xây dựng Q.12 cho biết. Tại rạch Trường Đai thuộc P.14, Q.Gò Vấp cũng xảy ra tình trạng xây nhà trên cống thoát nước, xả rác hết sức bừa bãi.
Sau khi đi thực địa, chiều cùng ngày, tại trụ sở UBND Q.Gò Vấp, ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra các nguyên nhân gây ngập, ngoài nguyên nhân do triều cường, mưa, lũ thượng nguồn, thực tế còn cho thấy một phần do địa phương quản lý chưa được tốt, do ý thức của một số hộ dân như xây nhà trên kênh, trên miệng cống cũng góp phần gây ngập. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, các chủ tịch UBND quận liên quan đưa ra giải pháp thoát ngập cho từng khu vực.
Toàn bộ hố ga nằm trong... công ty
Báo cáo với Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết khu vực cầu Sơn thuộc tuyến kênh A41, vừa qua đã được nạo vét, khơi thông một phần. Hiện UBND Q.Tân Bình đang xác định những hộ dân trong và ngoài phạm vi lấn chiếm. Trước mắt, trung tâm sẽ nạo vét thường xuyên để giảm thiểu ngập cho sân bay.
|
Về việc này, ông Hứa Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, đề nghị TP phê duyệt bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong năm 2016, để có thể khởi công dự án ngay trong năm 2017. Khâu thẩm định và duyệt giá bồi thường tương đối lâu nên Q.Tân Bình kiến nghị thẩm định nhanh để sớm khởi công dự án. Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Tài chính duyệt giá bồi thường nhanh, sớm tạm ứng kinh phí để chuẩn bị đầu tư. “Dự án đầu tư cần có thời gian, còn những biện pháp tức thời cần thực hiện là tuyên truyền không xả rác bít dòng chảy. Đừng để xảy ra tình trạng như trường hợp kênh Đồng Tiến mà tôi vừa đi thực tế, là tình trạng làm nhà vệ sinh ngay trên dòng kênh. Người lãnh hậu quả lại chính là những người có nhà ven kênh”, ông Phong nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, tại cửa xả 5D của kênh Đồng Tiến, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, bề rộng hiện chỉ còn hơn 40 cm. Riêng căn nhà lấn chiếm thì bị ngập tới cửa khi mưa. Ông Nguyễn Thành Phong đồng ý cho lập ngay dự án đầu tư cải tạo, nếu không sẽ ngập tràn cả đường Nguyễn Văn Quá. Ngoài kênh Đồng Tiến, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP phối hợp với UBND Q.12 thực hiện mở rộng việc xây dựng cống trên quy mô rộng hơn; thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giảm ngập.
Với rạch Trường Đai nhánh 2, thuộc Q.Gò Vấp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết “bị kẹt” là toàn bộ hố ga nằm trong Công ty Huê Phong nên công tác duy tu thường xuyên không thực hiện được. Khu vực này đến nay vẫn chưa có dự án chống ngập. Theo ông Dũng, cống phải có quy mô đường kính 2 - 2,2 m với 2 đường cống song song thì mới có thể hết ngập. Do rạch Trường Đai bị lấn chiếm nên khu vực đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ cũng bị ngập. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, khu vực này ngập do bị lỗi về hệ thống thoát nước nội tại nên nước thoát nước chậm. Q.Gò Vấp đang tính toán cho thoát nước ra hướng khác.
Kênh rộng hơn 8 m nay còn... 0,5 m
Trước đó, sáng 16.9, Sở GTVT tổ chức họp và kiểm tra thực tế các kênh thoát nước quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập, cho biết Tân Sơn Nhất có 3 lưu vực thoát nước: hướng bắc có kênh Hy Vọng, được nạo vét thường xuyên nên thoát nước tốt. Hướng đông nam có kênh Nhật Bản đang được triển khai dự án, dự kiến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành. Đáng lo nhất là ở hướng nam, thoát nước ra kênh A41. Tuyến kênh này có chiều dài gần 2 km từ Nhà máy A41 ra đến đường Cộng Hòa. Đoạn đầu tuyến tiếp giáp với sân đỗ sân bay Tân Sơn Nhất có 2 nhánh chảy qua đường Hậu Giang, khi đến đường Giải Phóng hợp lưu lại. Trước đây kênh A41 có bề rộng hơn 8 m, sâu 4 m. Nhưng hiện nay tuyến kênh đã bị lấn chiếm, lòng kênh rất cạn, đặc biệt đoạn gần đường Cộng Hòa bề rộng mặt kênh chỉ còn 0,5 m khiến việc thoát nước rất khó khăn.
|
Về giải pháp cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Công cho biết đã xây dựng mới 6 cống dọc tuyến kênh A41, đồng thời cho lực lượng đi nạo vét rác thường xuyên để kênh không bị tắc.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết Sở cùng các đơn vị liên quan thống nhất sẽ kiến nghị UBND TP quan tâm để triển khai nhanh dự án nạo vét kênh A41. Về lâu dài sẽ đầu tư hoàn chỉnh kênh A41 như kênh Nhật Bản, kênh Hy Vọng để đảm bảo thoát nước tốt. TP sẽ rà soát tổng thể diện tích khu vực sân bay và các khu dân cư lân cận, trên cơ sở đó tính toán lượng nước mưa và lượng nước cần thoát ra để có các giải pháp chống ngập cho khu vực quanh sân bay một cách lâu dài.
Dự án thoát nước treo 3 năm
Địa điểm khác là rạch Cầu Suối (Q.12), đoạn này dù đã có dự án từ năm 2013 nhưng do chưa có mặt bằng nên đến nay vẫn chưa thực hiện. Chủ tịch UBND Q.12 thì kiến nghị điều chỉnh ranh dự án. Trong khi đó, vừa nghe các đơn vị “báo cáo qua báo cáo lại”, ông Nguyễn Thành Phong lập tức phê bình lãnh đạo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP vì “dự án đã có 3 năm rồi mà đến nay vẫn không thực hiện chỉ vì điều chỉnh ranh”.
|
Bình luận (0)