Chi ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dân

08/07/2022 07:08 GMT+7

Trước thực trạng hơn 50% tàu đánh cá buộc phải nằm bờ vì không “gồng” nổi chi phí dầu tăng như vũ bão, mới đây, Bộ Công thương đã có đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp giá xăng dầu cho ngư dân, giúp họ khôi phục sản xuất, bám biển.

Giúp ngư dân bám biển, người nghèo bớt khó khăn

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương nêu rõ: Các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ hạn chế được mức tăng của mặt hàng này trước biên độ biến động quá lớn từ giá thế giới. So với cuối năm 2021, bình quân mỗi lít xăng dầu các loại đã tăng 26,73 - 67,96%, trong khi giá thế giới tăng 44,3 - 91,47%. Giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thủy, hải sản bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hằng ngày.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đề xuất nên hỗ trợ các thuyền viên trên tàu cá đang dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, cần bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho chính ngư dân. Cụ thể, việc hỗ trợ này sẽ sử dụng từ ngân sách nhà nước để bù vào giá xăng dầu - loại nguyên liệu mà ngư dân sử dụng tăng so với đầu năm nay, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay. Bên cạnh đó, với người thu nhập thấp, bộ này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách an sinh xã hội hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về trên 5,76 tỉ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tiếp tục duy trì mốc trên 1 tỉ USD, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cũng có không ít doanh nghiệp xuất khẩu tôm phản ánh thiếu nguyên liệu.

Nên hỗ trợ “ngay và luôn”

Về đề xuất trên, một chuyên gia của Học viện Tài chính cho rằng cần sớm thực hiện ngay do càng để lâu, “thiệt đơn thiệt kép” đối với nền kinh tế. Cụ thể, ngư dân không ra khơi, hoặc giảm ra khơi vì giá xăng dầu đang “ăn mòn” sức lao động của họ, “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp chế biến, nguyên liệu chế biến thiếu hụt, tăng giá gây khó khăn cho ngành chế biến thủy hải sản, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Quan trọng không kém, khi một tàu đánh cá Việt vắng bóng ngoài khơi, là vắng thêm một lá cờ của VN trên Biển Đông. Điều này về mặt chủ quyền có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Với người yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong đợt dịch vừa qua, sau dịch, khi nền kinh tế mở cửa, phục hồi… thì họ cũng chưa thể phục hồi, có việc làm và thu nhập tốt ngay được. Trong cơn bão giá, họ đang bị tổn thương nhiều bởi chi phí sinh hoạt tăng, sống tằn tiện hơn, thắt lưng buộc bụng hơn…

Trong khi đó, cần nhắc lại là ngân sách 6 tháng đầu năm đang băng băng về đích, hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư gần 220.000 tỉ đồng… Chuyên gia này đề xuất: “Khoản chi hỗ trợ ngư dân bám biển vừa có ý nghĩa an sinh xã hội, vừa ý nghĩa xác lập chủ quyền quan trọng và thiêng liêng. Thế nên, không nên tiếc, hay chần chừ, tính toán với việc hỗ trợ này. Giúp ngư dân ra khơi đều đặn, thường xuyên là góp phần ổn định xuất khẩu hải sản. Thứ hai, có chính sách hỗ trợ người yếu thế, nhằm ổn định an sinh xã hội ngắn ngày sau đại dịch, giữa bão giá… là điều nên quyết ngay và luôn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.