Để hỗ trợ người dân, nhiều nước đã tung loạt chính sách giảm thuế, phí, tăng lương… để ứng phó “bão” giá.
Trao đổi với Thanh Niên, một số người Việt ở Đức, Pháp cho biết, để “bù” giá cả hàng hóa tăng, nhiều công ty vừa tăng lương ngoài kế hoạch từ 5 - 6% cho công nhân. Trong khi đó, hồi tháng 5, Chính phủ Anh đã công bố gói chính sách trị giá 19 tỉ USD nhằm giúp các hộ gia đình ứng phó sinh hoạt phí tăng cao. Cụ thể, mỗi hộ gia đình Anh sẽ nhận khoản tín dụng trị giá 505 USD cho hóa đơn năng lượng của gia đình từ tháng 10 tới. Ngoài ra, Anh cũng đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng 25% và chỉ tạm thời, khi giá nhiên liệu “trở lại bình thường”, sắc thuế sẽ được hủy bỏ.
Đức cũng phát tiền mặt cho người lao động và giảm giá xăng, giá vé các phương tiện công cộng. Pháp chi 2,15 tỉ USD để trợ giá xăng 0,16 USD/lít xăng dầu. Hà Lan giảm thuế giá trị gia tăng với năng lượng từ 12% xuống 9%, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng, trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp trong gói hỗ trợ 3 tỉ USD. Một số bang tại Mỹ thì thông qua dự luật tạm dừng thu thuế nhiên liệu, giảm thuế hàng tạp hóa, giảm 1.000 USD thuế cho các gia đình gặp khó khăn vì giá nhiên liệu…
Tại châu Á, đầu tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc giảm tiếp thuế xăng dầu để bình ổn giá trong nước. Tại Thái Lan, thủ tướng nước này cũng cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, tăng trợ cấp tiền mặt từ mức 45 baht/tháng lên 100 baht/tháng và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn.
Một số quốc gia lại tìm cách giảm đà mua sắm của người dân trong tạm thời để giảm lạm phát. Lạm phát toàn cầu tính đến quý 2/2022 đã lên mức cao nhất từ năm 2008 đến nay, lên 7,8%. Các ngân hàng trung ương tại hầu hết các quốc gia đang thực hiện cơ chế giảm lạm phát, giảm chi tiêu dùng bằng cách tăng lãi suất cho vay.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, các chính sách bơm tiền hỗ trợ người dân trong bão giá nay lại thay đổi khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất. “Vay tiêu dùng tại Mỹ rất lớn, nếu tăng lãi suất lúc này thực tế giảm tiêu dùng tạm thời của người dân để kềm lạm phát. Các chính sách hỗ trợ trọn gói một lần như các nước thực hiện trước đây nay cũng giảm vì không có gói hỗ trợ nào có thể bù lại đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian qua. Thế nên, cách “khôn ngoan” nhất là để người dân biết tiết kiệm, giảm chi tiêu nhằm kềm đà tăng giá… VN có thể học các nước không hỗ trợ tiền mặt nữa, mà hỗ trợ giảm giá nhiên liệu, kiềm chế đà tăng của giá cả trong 6 tháng tới. Đó là thách thức không nhỏ”, chuyên gia này chia sẻ.
Bình luận (0)