Chi phí 'ăn mòn' giá lúa gạo

06/05/2022 06:36 GMT+7

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao, tuy nhiên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp lẫn người nông dân vẫn teo tóp.

Trong khoảng 2 tuần qua, gạo Thái Lan liên tục tăng giá, gạo 5% tấm hiện đạt mức trung bình 445 USD/tấn, bỏ xa giá gạo Việt Nam đang ổn định ở mức 415 USD/tấn. Tuy nhiên, so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống khác như Ấn Độ và Pakistan thì giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao. Cụ thể, gạo 5% tấm của Ấn Độ bán ra là 343 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 323 USD/tấn, cùng thấp hơn gạo Việt Nam 72 USD/tấn. Nghịch lý là giá gạo xuất khẩu neo cao nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) vẫn teo tóp, còn giá thu mua lúa của người nông dân thì giậm chân tại chỗ.

Xuất khẩu gạo của VN vẫn duy trì mức cao và chờ đơn hàng mới

Công Hân

Giá gạo Việt neo cao

Theo các DN sản xuất kinh doanh gạo ở ĐBSCL, giá gạo Việt Nam vẫn đang ổn định ở mức cao. Các hợp đồng thương mại đi các thị trường cao cấp vẫn diễn ra đều đặn và xu hướng tăng. Chính vì giá cao nên các khách hàng truyền thống nhập khẩu số lượng lớn gạo phẩm cấp trung bình chưa dám ký hợp đồng mới. Cụ thể như Philippines chưa mở quota, còn Trung Quốc cũng đang trong tình trạng đối phó với dịch Covid-19. Đó là sự khác biệt của thị trường lúa gạo năm nay. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: “Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao và có chiều hướng tăng. Điều này gần như chắc chắn vì vụ đông xuân đã kết thúc, nguồn cung hạn chế. Mặt khác, giá gạo cũng không thể giảm vì giá thành sản xuất tăng cao theo giá phân bón. Đối với thị trường xuất khẩu, các nhà nhập khẩu cũng đã chờ giá trong nhiều tháng qua, rồi cũng đến lúc phải cấp quota mới để nhập vì không thể chờ tiếp”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Trung An (Cần Thơ), nói: “Giá lúa gạo đã đứng ở mức cao trong suốt đợt thu hoạch vụ đông xuân dù không có hợp đồng lớn. Đây là điều đặc biệt trong ngành lúa gạo năm nay. Bây giờ cuối vụ, nguồn cung trong dân cạn nên giá sẽ tăng. Hiện tại, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao vẫn xuất khẩu rất tốt sang tất cả các thị trường, trong khu vực ASEAN thì loại gạo này đi Malaysia vẫn ổn định”.

Đối với hiện tượng tăng giá đột biến của gạo Thái Lan trong 2 tuần gần đây, các DN cũng tỏ ra khá bất ngờ. Ông Nguyễn Văn Đôn phán đoán, đối với gạo 5% tấm, có thể do hiện tại chỉ có Thái Lan còn nguồn cung nên giá tăng. Hiện Việt Hưng tập trung làm gạo thơm và gạo chất lượng cao, không còn làm hàng gạo 5% tấm. Mặt hàng gạo thơm DT8 của đơn vị này hiện có giá khoảng 510 - 520 USD/tấn.

Còn theo Reuters, giá gạo Thái Lan tăng là do nhu cầu từ thị trường Trung Đông tăng mạnh, cụ thể là từ Iraq, Iran và Ả Rập Xê Út. Đồng baht yếu hơn so với USD cũng góp phần làm tăng giá gạo trong tuần này. “Dù giá gạo Việt Nam đang đứng yên nhưng có thể tăng trong những tuần tới do nguồn cung giảm. Các thương nhân xuất khẩu gạo đang do dự trong việc có nên ký hợp đồng xuất khẩu mới hay tiếp tục chờ giá lên cao hơn”, Reuters nhận định.

Giá lúa vẫn giậm chân tại chỗ

Đáng nói là dù giá gạo xuất khẩu tăng cao nhưng tại thị trường nội địa, giá thu mua lúa vẫn thấp. Anh Huỳnh Văn Nhân, nông dân tại H.Kế Sách (Sóc Trăng), than thở: “Mấy hôm nay nghe tin giá gạo xuất khẩu tăng, thị trường nhiều tiềm năng… nhưng thực tế giá lúa tại ruộng không tăng. Giá phân bón, vật tư nông nghiệp thì tăng ào ào, giá lúa thì vẫn lè tè sát đất. Làm ra hạt lúa nông dân cầm chắc lỗ, nếu có lời thì khâu thương lái với mấy đơn vị kinh doanh phân bón thuốc trừ sâu ăn hết”. Đồng cảnh ngộ, anh Phạm Văn Trung, nông dân tại H.Xuân Lộc (Đồng Nai), chia sẻ: “Thời điểm này nông dân là cực khổ nhất. Giá các loại phân bón, chi phí đều tăng gấp 2 - 3 lần, trong khi giá lúa bán ra vẫn đứng yên như cũ. Kiểu này chắc tôi ngưng làm lúa, bán đất đi làm công nhân thôi”.

Sản xuất tiết kiệm, tăng hiệu quả

Mới đây, Cục Trồng trọt đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL (Bộ NN-PTNT) tổ chức triển khai quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cho lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL. Quy trình gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa đông xuân và hè thu gồm: Làm đất chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; phạm vi địa điểm áp dụng quy trình. Quy trình này có thể giúp giảm 15% chi phí trong sản xuất lúa, góp phần kiểm soát và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, mục tiêu trong thời gian ngắn có thể thay đổi tập quán sản xuất cũ gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực.

Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Ngưng, nông dân tại H.Tháp Mười (Đồng Tháp), than thở: Giá lúa gạo có tăng một thì giá phân bón lại tăng 2 - 3. Tình hình thế này nhiều người bỏ ruộng vì càng làm càng lỗ. Còn anh Nguyễn Xuân Vinh, nông dân trồng lúa tại Rạch Giá (Kiên Giang), bức xúc: “Năm nay nông dân miền Tây thua trắng. Giá phân, thuốc quá cao, đến lúc bán lúa thì giá rẻ. Nghịch lý là cái gì cũng tăng mà giá lúa không tăng. Với giá đầu vào như hiện nay thì giá lúa phải 10.000 đồng/kg nông dân mới có lãi, chứ lẹt đẹt 5.000 - 7.000 đồng/kg thì không ai làm nổi”.

Đánh giá về thị trường phân bón hiện nay và xu hướng sắp tới, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền, nói: “Dù giá phân bón Việt Nam chịu ảnh hưởng của tình hình giá cả thế giới, tuy nhiên mức giá phân bón hiện nay cũng đã chạm tới ngưỡng chịu đựng của bà con nông dân. Chính vì vậy, nhiều khả năng là giá phân bón không thể tăng tiếp được nữa mà có thể giảm. Vì nếu tăng nữa, nông dân sẽ không sử dụng và thậm chí nghỉ sản xuất”. Hiện tại, để đối phó với sự tăng giá phân bón quá cao hiện nay, nhiều nông dân đã chuyển hướng sử dụng phân bón hữu cơ sinh học.

Lý giải về giá gạo xuất khẩu neo cao nhưng giá lúa tại thị trường nội địa vẫn đứng yên, ông Phạm Thanh Bình thừa nhận: Hiện tại có hợp đồng nhưng xuất được hàng rất khó vì thiếu container, thiếu tàu. Chi phí vận chuyển thì liên tục tăng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Chính vì vậy, dù giá xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận thu về không tăng. “Chúng tôi may mắn vì các đối tác cũng thông cảm và chia sẻ gánh nặng chi phí vận chuyển để đảm bảo nguồn hàng được liên tục”, ông Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.