Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 423 - 427 USD/tấn lên 428 - 432 USD/tấn trong những ngày cuối tháng 9 và tiếp tục tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 383 - 387 USD/tấn và Ấn Độ là 368 - 372 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại trong hơn nửa tháng qua |
HUỲNH THANH PHONG |
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo Việt Nam tăng do đơn hàng từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống đang có nhu cầu trở lại. Đặc biệt, nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 9 năm nay, xuất khẩu gạo của cả nước đạt 247.420 tấn, trị giá 121,644 triệu USD, tăng gần 22,2% về lượng và tăng hơn 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng của năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,227 triệu tấn, trị giá 2,259 tỉ USD, giảm hơn 12% về lượng và giảm gần 4,5% về trị giá.
Xuất khẩu gạo gần như đứng yên trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” không được, lúa gạo thu mua bị chững lại, gạo đưa ra sà lan chở đường sông TP.HCM xuất đi cũng bị nghẽn… Tuy Ấn Độ đang có vài bất lợi trong mùa vụ thu hoạch, song xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường này. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, dù giá chào mặt hàng gạo đồ và gạo tấm trắng của Ấn Độ kết thúc tuần cuối tháng 9 tăng nhẹ và giá chào từ các nguồn cung khác trong khu vực thời gian qua giảm mạnh, song Ấn Độ hiện vẫn là nguồn cung cạnh tranh nhất trên thị trường thương mại gạo thế giới.
Trong Báo cáo thương mại nông nghiệp quốc tế của Cơ quan Nông nghiệp nước ngoài - Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2021 sẽ tăng lên mức cao kỷ lục. Năm 2021, Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 17,7 triệu tấn gạo, cao hơn 86% so với năm 2020.
Tại Việt Nam, hoạt động xuất khẩu đã được “nối” lại từ đầu tháng 9. Tính hết tháng 9, có 18 tàu vào các cảng xếp hàng với số lượng 158.300 tấn gạo các loại. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, doanh nghiệp cũng “vướng” các quy định về sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", chi phí tăng mạnh, nên xuất khẩu đã bị gián đoạn từ cuối tháng 7 đến nay. Dự kiến, khoảng ngày 10.10, công ty sẽ bắt đầu thực hiện xuất hàng cho một số đối tác, trong đó, ưu tiên đơn hàng xuất khẩu 22.000 tấn cho thị trường Hàn Quốc trong vòng 1 tháng tới.
Bình luận (0)