Giá gạo Việt chịu ảnh hưởng kép vì Covid-19

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/08/2021 06:25 GMT+7

Ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 khiến xuất khẩu gạo giảm mạnh. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi qua.

Thấp hơn cùng kỳ gần 100 USD/tấn

Theo thống kê từ Reuters ngày 10.8, giá gạo đồ 5% tấm tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ giảm còn 354 - 358 USD/tấn vào tuần trước; giá gạo 5% tấm Thái Lan tăng nhẹ từ 385 - 408 USD/tấn trong tuần cuối tháng 7, mức thấp nhất kể từ 2 năm qua.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam (VN) không đổi, giữ ở mức 390 USD/tấn trong tuần trước - mức thấp nhất kể từ tháng 2.2020. So cùng thời điểm này năm ngoái với mức giá trung bình 485 USD/tấn, gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn.
Ngày 10.8, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL đi ngang sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt. Cụ thể, giá lúa IR50404 được thương lái thu mua từ 4.600 - 5.000 đồng/kg, lúa OM 9582 giá 4.600 - 4.900 đồng/kg, OM 6976 giá 5.100 - 5.200 đồng/kg, ST24 từ 6.100 - 6.200 đồng/kg… So cùng thời điểm vào mùa vụ này năm ngoái, giá lúa mua vào năm nay thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết giá lúa mua vào giảm mạnh do giá gạo thế giới giảm. Lượng lúa tồn kho của các công ty chưa xuất khẩu được rất lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua vào nữa. Công ty ông đang tồn hơn 15.000 tấn lúa do giá thấp quá, không bán được.
Thế nên dù giá lúa mua vào trên thị trường mấy hôm nay thấp hơn 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái nhưng công ty cũng không mua vào. “Có 2 lý do đang khiến tình hình thị trường sản xuất và xuất khẩu gạo chững lại và giảm mạnh, đó là: lượng hàng xuất đi quá chậm do mình chào giá cao, họ không mua. Gạo trắng 504 của VN hiện nay chào giá cao hơn cùng loại này của Thái Lan. Thái Lan do ảnh hưởng đợt bùng phát dịch Covid-19, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của họ giảm nhiều, trong đó có gạo. Vì thế nhiều khách hàng đổ sang mua gạo của Thái thay thế. Thứ 2 là tình hình dịch bệnh tại khu vực miền Nam nặng quá, các hoạt động sản xuất với những tiêu chí “3 tại chỗ”, ai ở đâu ở yên đó… khiến thị trường lúa gạo đang trong mùa vụ nhưng yên ắng hẳn. Nhà máy xay xát đóng cửa, di chuyển mua lúa từ tỉnh này sang tỉnh khác quá khó khăn. Giả sử mua được lúa thì cũng dễ gì có nhà máy xay lúa giờ này”, ông Đôn nói.
Còn theo Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do thế giới và khu vực Đông Nam Á đang là tâm điểm dịch, với số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh.
Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước và việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.
Trước khó khăn trong tiêu thụ, thu mua lúa, ngành nông nghiệp các tỉnh đang đẩy nhanh giải pháp gỡ khó. Chẳng hạn, Long An đã chỉ đạo các địa phương phải linh hoạt, chủ động về thủ tục để tạo điều kiện cho thương lái đến thu mua, vận chuyển nông sản. Trường hợp không có nhân công lao động, máy móc thu hoạch lúa thì ngành nông nghiệp huyện phải tham mưu ngay cho UBND huyện yêu cầu các xã, phường, thị trấn ký giấy xác nhận để người dân trong địa phương đi lại thuận tiện. Ông Đôn nói lúc này nếu ngân hàng cho vay ngoài định mức, cho vay tín chấp thay vì thế chấp, nhiều công ty uy tín trong xuất khẩu gạo có thể tham gia mua giải cứu lúa tại đồng ruộng.

Kiến nghị thu mua tạm trữ 4 triệu tấn lúa

Cập nhật đến ngày 6.8 vừa qua tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây nguyên 2021, Bộ NN-PTNT cho biết các tỉnh ĐBSCL mới thu hoạch đạt 700.000 ha lúa hè thu, còn khoảng 800.000 ha thu hoạch trong tháng 8 và tháng 9 này. Đây cũng là thời điểm có sản lượng lúa cao nhất trong năm.
Tại hội nghị, Bộ Công thương cho hay sẽ kiến nghị Chính phủ triển khai thu mua, trạm trữ lương thực với sản lượng gần 4 triệu tấn lúa, tương đương 2,5 triệu tấn gạo. Việc này nhằm thực hiện chủ trương giải quyết nhu cầu cấp bách cho bà con vùng ĐBSCL đồng thời để dự trữ trong bối cảnh cả thế giới chắc chắn sẽ thiếu lương thực sau dịch Covid-19.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, để triển khai thu mua 4 triệu tấn lúa cần huy động lực lượng DN tư nhân nữa mới đủ. Thực tế, đối tượng DN nào mua giải cứu cũng phải vay tiền nhưng đa số DN nay đã hết hạn mức vay, muốn kêu gọi DN tham gia “giải cứu” lúa nên có chính sách cho vay ngoài hạn mức để các DN xuất khẩu lớn có khả năng tham gia, không nên áp công tác giải cứu lúa cho các tổng công ty nhà nước. Không chỉ phân nửa diện tích lúa đang bị kẹt ngoài đồng, phải thu hoạch hết trong tháng 8 và tháng 9 này bởi giữa tháng 9 lại bước vào thu hoạch vụ 3 thu đông.
Nhiều địa phương nay đã gieo trồng vụ thu đông được 2 tháng rồi. Như vậy, nếu không có phương án sớm nhằm giải quyết việc thu mua cho vụ hè thu và thu đông, ngành lúa gạo năm nay sẽ bị ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 của thế giới và trong nước.
Trong khi hầu hết các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu trong 7 tháng năm nay đều tăng trưởng thì xuất khẩu gạo lại tiếp tục giảm. Số liệu từ Bộ Công thương đến hết tháng 7 cho thấy xuất khẩu gạo trong 7 tháng của năm nay giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,6 triệu tấn; trị giá giảm 0,6% xuống 1,9 tỉ USD.
“Sản xuất giảm mạnh, làm sao xuất khẩu lại không giảm được. Đây là tình hình chung trong lúc khó khăn này, rất khó thay đổi. Giải pháp duy nhất chỉ là tăng mua dự trữ chờ bán sau thôi”, ông Bình nói và bổ sung giá lúa mua vào vụ mùa năm nay giảm 1.000 đồng so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng so với trước khi xảy ra dịch, giá lúa đang cao hơn 500 - 700 đồng/kg. Giá xuất khẩu gạo có giảm do giá thế giới giảm, nhưng với gạo VN còn có yếu tố bị “ép” vì họ biết VN đang vào mùa thu hoạch và sản xuất cũng đang đình trệ vì dịch bệnh. Với những khách hàng lớn đi thị trường EU, xuất khẩu gạo vẫn tăng. Báo cáo của Bộ Công thương 6 tháng đầu năm nay cho thấy tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế từ EVFTA với hàng xuất khẩu tăng hơn 29%. Trong đó, xuất khẩu gạo đi EU tăng 3,73%, đạt 5,2 triệu USD. “Chỉ thị 16 còn kéo dài, nên khoảng sau giữa tháng 8 này phải đàm phán lại với các đối tác để giảm lượng gạo xuất khẩu vì không xếp gạo thẳng lên tàu lớn như trước được”, ông Bình cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.