Với chính sách hỗ trợ vay mua ô tô của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, việc sở hữu một chiếc ô tô hiện nay tại Việt Nam đã trở nên dễ dàng hơn. Không cần phải "gom" đủ tiền mới mua được ô tô, hiện nay thông qua việc vay ngân hàng, các cá nhân tổ chức chỉ cần bỏ ra khoảng 30 - 40% giá trị xe là đã có thể sở hữu một chiếc ô tô.
Tuy nhiên, ngoài giá xe và chi phí lăn bánh, việc sở hữu một chiếc ô tô tại Việt Nam hiện nay còn có rất nhiều khoản chi phí phát sinh phải trả. Chính điều này khiến không ít người mua ô tô tại Việt Nam, đặc biệt những người lần đầu mua ô tô rơi vào cảnh "vỡ kế hoạch tài chính", phải chạy vạy vay mượn để trang trải các khoản chi phí phát sinh khi mua xe, nuôi xe… do không tính toán kỹ ngay từ khi lên kế hoạch mua ô tô. Thậm chí có trường hợp phải bán lại xe chỉ sau vài tháng. Do đó, trước khi mua ô tô, dù tự chủ tài chính hay vay ngân hàng, bạn cần tìm hiểu kỹ các khoản chi phí.
Dưới đây là các khoản chi phí cần chuẩn bị khi có ý định mua ô tô:
Khoản tiền trả trước nếu vay mua ô tô
Đây được coi là bước đầu tiên người mua ô tô thông qua hình thức vay vốn ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cần xem xét, tính toán khi muốn mua một chiếc ô tô. Thông thường, bạn phải trả trước 30 - 40% giá xe. Giả sử, một chiếc Hyundai Accent có giá 501 triệu đồng, nếu mua xe theo hình thức vay từ ngân hàng, bạn phải chuẩn bị ít nhất 30% giá trị xe, tương đương khoảng 150,3 triệu đồng. Thông thường khách hàng có thể chọn vay 50% cho đến 70% giá trị xe, dĩ nhiên bạn phải nộp một số giấy tờ chứng minh khả năng tài chính khi đi vay. Tùy điều kiện thỏa thuận mà thời gian vay có thể kéo dài từ 5 - 7 năm, mức lãi suất biến động theo thời gian. Khoản chi phí này rất quan trọng, vì số tiền trả trước càng cao thì số tiền bạn phải trả góp hàng tháng cho ngân hàng sẽ càng thấp.
Tiền trả góp hàng tháng cho ngân hàng
Số tiền người mua ô tô phải trả góp hàng tháng cho ngân hàng phụ thuộc vào giá xe, lãi suất và số tiền trả trước. Dù bạn lựa chọn vay trả góp từ ngân hàng hay các công ty tài chính cũng cần tìm hiểu cách tính lãi trả góp ô tô. Điều này sẽ giúp bạn lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu và chi trả hợp lý tránh quá thời hạn để lãi suất ngày càng cao. Mỗi ngân hàng sẽ có mức lãi suất chênh lệch khác nhau, dao động từ 6% - 9.5%. Sau thời hạn quy định ưu đãi (thường 6 tháng hoặc 1 năm), lãi suất người mua xe trả góp phải trả sẽ dựa trên sự điều chỉnh các gói dịch vụ ngân hàng cung cấp.
Giả sử, nếu bạn mua chiếc Hyundai Accent có giá 501 triệu đồng và vay ngân hàng 70% giá trị xe, tương đương 350,7 triệu đồng. Thời gian vay ngân hàng dành cho bạn là 36 tháng, gói vay lãi suất 9,5%/năm.
Tiền gốc người mua phải trả hàng tháng = 350,7 triệu đồng (Tổng tiền vay trả góp)/36 tháng (Số tháng bạn vay mua xe) = 9,741 triệu đồng
Tiền lãi suất người mua phải trả hàng tháng = 350,7 triệu đồng (Tổng tiền vay)/12 tháng x 9,5% (Lãi suất) = 2,77 triệu đồng.
Tiền hàng tháng người mua cần trả = 9,741 triệu đồng (Tiền gốc) + 2,77 triệu đồng (Tiền lãi phát sinh hàng tháng) = 12,511 triệu đồng
Tuỳ vào thời gian vay, lãi suất và số tiền vay… chi phí trả góp hàng tháng sẽ có sự thay đổi.
Chi phí lăn bánh
Ngoài giá xe, người mua ô tô phải tốn thêm chi phí lăn bánh gồm (phí đăng ký biển số, lệ phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ…). Các khoản chi phí này thường được nhân viên bán hàng của các đại lý tính toán cộng vào giá bán xe để báo giá xe lăn bánh cho khách mua xe. Do phải đóng lệ phí trước bạ từ 2% - 12% giá trị xe (tuỳ vào tỉnh, thành phố đăng ký xe), do đó, giá xe càng cao, chi phí lăn bánh càng lớn. Vì vậy, người mua xe cần liên hệ nhân viên bán hàng các đại lý để được báo giá cụ thể với từng mẫu xe, phiên bản.
Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự là khoản phí bắt buộc mà tài xế cần phải đóng. Giá mua bảo hiểm gồm: Xe dưới 6 chỗ: 437.000 đồng/năm. Xe từ 6 - 11 chỗ: 794.000 đồng/năm. Xe dưới 6 chỗ kinh doanh vận tải: 756.000 đồng/năm. Xe 6 chỗ kinh doanh vận tải: 929.000 đồng/năm. Xe 7 chỗ kinh doanh vận tải: 1.080.000 đồng/năm. Xe 8 chỗ kinh doanh vận tải: 1.253.000 đồng/năm.
Phí bảo hiểm vật chất
Phí bảo hiểm vật chất là khoản phí đóng để bảo vệ, hỗ trợ cho chiếc xe khi gặp tai nạn. Mặc dù phí bảo hiểm vật chất thân xe không nằm trong quy định bắt buộc từ cơ quan Nhà nước, nhưng bạn cần dự trù mức phí này và xem đó là chi phí cố định để bảo vệ xế yêu. Đặc biệt, nếu bạn vay ngân hàng mua xe mới thì phí bảo hiểm vật chất nằm trong danh mục phí bắt buộc phải có của ngân hàng trước khi giải ngân. Do đó, phí nuôi xe ô tô cố định lúc này sẽ bao gồm Phí đóng bảo hiểm khoảng 1,5% trên tổng giá trị của xe. Ngoài ra, tùy theo tình trạng xe mới hay cũ, thời gian sử dụng bao lâu sẽ có mức đóng cụ thể.
Chi phí xăng, dầu
Tùy theo từng loại ô tô và quãng đường di chuyển, phí tiêu thụ xăng dầu sẽ có sự khác nhau. Ô tô đi càng nhiều thì phí xăng dầu càng lớn và ngược lại. Giả sử với dòng xe Hyundai Accent có mức tiêu thụ khoảng 5,0 - 7,5 lít xăng/100km. Mỗi tháng xe chạy khoảng 1.500km, thì chi phí tiền xăng trung bình khoảng 2,2 - 3,3 triệu đồng (tùy theo giá xăng ở từng thời điểm).
Chi phí bảo dưỡng, kiểm tra ô tô định kỳ
Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa cũng là khoản mà chủ xe cần cân nhắc. Để chiếc ô tô vận hành ổn định, an toàn… bạn cần phải bảo dưỡng xe định kỳ. Với từng loại xe sẽ có mức phí bảo dưỡng khác nhau, xe càng có giá trị cao thì phí bảo dưỡng càng lớn. Mức phí bảo dưỡng có thể dao động từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng mỗi lần.
Phí đỗ xe
Nếu mua ô tô và sử dụng thường xuyên tại các tỉnh, thành phố đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM… đây là khoản chi phí các chủ xe cần tính tới. Nếu nhà không có chỗ để xe, hay ở các khu chung cư… ít nhất hàng tháng bạn phải tốn từ 1 - 1,5 triệu đồng cho một chỗ đỗ xe. Bên cạnh đó, bạn còn phải tốn thêm phí gửi xe bên ngoài khi đi công việc, ăn uống tùy theo từng địa điểm. Nếu ở Hà Nội, TP.HCM… trung bình mỗi tháng chi phí gửi xe bên ngoài mất khoảng 200.000 - 500.000 đồng/tháng.
Các loại chi phí khác
Ngoài các loại phí kể trên, trong quá trình sử dụng ô tô, chủ xe còn phải tốn thêm các khoản chi phí khác như phí rửa xe, phí cầu đường hay tiền nộp phạt nếu lái xe vi phạm luật giao thông.
Bình luận (0)