Chi phí khám chữa bệnh tăng cao

Thu Hằng
Thu Hằng
02/07/2024 06:30 GMT+7

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho thấy, tình hình sử dụng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong quý 1 năm nay có sự gia tăng bất thường so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, một số tỉnh có tỷ lệ chi cho thuốc cao hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn quốc.

Theo đó, toàn quốc có 40,4 triệu lượt KCB BHYT, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023; với số tiền quỹ BHYT thanh toán là 30.974 tỉ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cá biệt, có những cơ sở y tế có số chi KCB tăng hơn 5 - 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo ước tính của BHXH VN, đến tháng 6, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người KCB BHYT (tăng 6,563 triệu lượt người, tương đương 7,91% so cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66.920 tỉ đồng. Một số tỉnh có chi phí KCB tăng cao như Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ… Đây là những đơn vị chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí KCB BHYT toàn quốc.

Theo đánh giá của BHXH VN, việc gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường ở các tỉnh có các nguyên nhân như: lãnh đạo BHXH một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này; chưa phối hợp tốt với sở y tế; cách làm vẫn theo lối cũ, thiếu sáng tạo. Bên cạnh đó, có tình trạng chỉ định cấp cứu, nội trú quá cao tại một số cơ sở y tế.

Xử lý các cảnh báo về chi phí bình quân tăng cao

Trước tình hình sử dụng chi phí KCB BHYT toàn quốc trong những tháng đầu năm có sự gia tăng cao, BHXH VN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Trung tâm thanh toán đa tuyến (BHXH VN), cho biết đơn vị này đã xây dựng nhiều công cụ hỗ trợ hoạt động kiểm soát chi phí tại BHXH các địa phương. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn cho BHXH các tỉnh, TP về phương pháp, kỹ năng đánh giá về gia tăng chi phí bất hợp lý, công cụ quản lý, nhận diện rủi ro. Những công cụ, giải pháp này đã và đang mang lại hiệu quả, hỗ trợ tốt công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT theo đúng quy định.

Lãnh đạo BHXH VN thông tin thêm, cơ quan này đã xây dựng, bổ sung hệ thống tổng hợp, báo cáo các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị định số 75/2023 về hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT.

Theo đó, tình hình sử dụng chi phí KCB BHYT của từng tỉnh sẽ được thống kê chi tiết về điều trị nội trú, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; có đánh giá, so sánh với toàn quốc, theo vùng; chỉ ra vấn đề cần tập trung kiểm tra, rà soát. "Đây là công cụ hữu hiệu, quan trọng, giám đốc BHXH các địa phương cần tăng cường truy cập, sử dụng, phục vụ công tác quản lý; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của giám đốc BHXH các tỉnh, TP trong giải quyết dứt điểm các vấn đề trong thẩm quyền, thống nhất rõ với sở y tế để thực hiện", Phó tổng giám đốc BHXH VN Nguyễn Đức Hòa cho hay.

Phối hợp ngành y tế giải quyết các yếu tố chưa hợp lý

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm hạn chế những chỉ định quá mức cần thiết, bất hợp lý, chống lãng phí trong sử dụng dịch vụ, sử dụng thuốc kéo dài ngày điều trị…, góp phần tập trung nguồn lực điều trị cho những người bệnh, nhất là người bệnh nặng, mạn tính.

Để đảm bảo việc thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định pháp luật, ông Hòa lưu ý: "BHXH các địa phương cần chủ động rà soát, phát hiện các bất thường được cảnh báo trên hệ thống giám định và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở KCB về những chi phí tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa; cập nhật và báo cáo kết quả giám định chuyên đề theo đúng quy định".

Ông Hòa cũng đề nghị BHXH các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với sở y tế, cơ sở KCB để thông tin, đồng hành trong thực hiện KCB BHYT; tập trung giải quyết các yếu tố chưa hợp lý trong đấu thầu thuốc, chỉ định cấp cứu, xét nghiệm, nội trú, chuyển tuyến…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.