Chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe ở VN cao gấp 4 lần các nước?

15/06/2017 11:42 GMT+7

Đại biểu chất vấn có hay không chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của ta cao gấp 2 đến 4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng.

Sáng 15.6, trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Bình Định) đặt vấn đề: theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam sẽ làm hơn 1.370 km, với tổng mức đầu tư 14 tỉ USD và suất đầu tư đường cao tốc là trên 12 triệu USD/km.
“Theo báo chí, các chuyên gia quốc tế đã tính suất đầu tư bình quân là 12 triệu USD sau khi trừ mọi chi phí. Với Trung Quốc, chi phí của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là hơn 3 triệu USD/km. Như vậy, chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của ta cao gấp 2 đến 4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng”, ĐB Nhường nói.
ĐB Nhường hỏi thêm, đường sắt cao tốc của nước ta thì suất đầu tư cũng 50 triệu USD, cao hơn các nước rất nhiều, thậm chí cao hơn gấp 2,5 lần của Thái Lan. Vậy bộ trưởng làm thế nào để trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, suất đầu tư đường cao tốc ở các khu vực khác nhau có mức giá khác nhau, chưa tính đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. "Trong đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào địa chất và vật liệu, đối với đường cao tốc 6 làn xe, chúng tôi nghiên cứu ở Bồ Đào Nha 12,1 triệu USD; Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD; Trung Quốc 10,5 đến 13,6 triệu USD, mỗi nơi đều có sự chênh lệch giá nhất định. VN thì chúng tôi thì dự kiến là 9,5 triệu USD", Bộ trưởng Nghĩa trả lời.
ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng thủ tục các dự án PPP (đối tác công tư) làm sao để thu hút nhiều đầu tư hơn? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết do thủ tục các dự án PPP đang có vấn đề vì vậy đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.
Bộ trưởng Dũng cho rằng việc thu hút đầu tư còn chênh lệch giữa các địa phương là do lợi thế cạnh tranh của các địa phương không bằng nhau. Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thu hút vốn tốt, nhưng một số tỉnh ĐBSCL hay Tây Bắc thì không bằng. Từ đó cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ đường bộ, cảng biển đến các hạ tầng chung và đào tạo nguồn nhân lực vì nhiều nơi nhân lực không đáp ứng yêu cầu.
Phân bổ vốn chậm do cơ chế xin - cho?
Một ĐB khác chất vấn, việc phân bổ vốn chậm có phải do luật Đầu tư công, do cơ chế xin - cho? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: “Tất cả công trình quan trọng của quốc gia là do Quốc hội quyết. Dự án cao tốc Bắc - Nam và dự án chống ngập TP.HCM phải dời chậm lại". Lý giải nguyên nhân, bà Ngân cho biết do Sở làm hồ sơ chậm, chưa đầy đủ nên chưa phân bổ được”.
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định việc chậm không phải do cơ chế xin - cho. 
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đặt vấn đề, tại sao tiến độ thực hiện các công trình quan trọng, có tính chất động lực đang chậm so với kế hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.
ĐB Ry cho rằng, đây là dự án trọng điểm của cả khu vực. Nguyên nhân của sự chậm trễ, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu trong huy động và công khai phân bổ nguồn vốn. Dự án này đến khi nào hoàn thành?
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời: "Năm vừa rồi gặp nhiều khó khăn nên nhiều dự án quan trọng chậm, chưa hợp lý, bộ đã yêu cầu làm lại, điều chỉnh lại. Cho đến nay được Chính phủ cho phép quy mô điều chỉnh, còn ngân hàng đang thu xếp vốn, cuối quý 2 đàm phán xong thì sẽ triển khai". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.