Chỉ Thủ tướng có quyền ngừng dự án gây phương hại quốc phòng, an ninh quốc gia

Vũ Hân
Vũ Hân
17/06/2020 15:26 GMT+7

Chỉ Thủ tướng có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia , theo quy định tại luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua.

Với 446/458 đại biểu tán thành (8 đại biểu không tán thành, 4 đại biểu không biểu quyết), chiều 17.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có điều khoản thu hồi dự án nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, điều Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã hứa với cử tri khi trả lời chất vấn liên quan đến việc người Trung Quốc thâu tóm đất đai ở các khu vực trọng yếu.
Theo đó, việc thu hồi dự án dạng này được quy định tại khoản 3 điều 5 về chính sách về đầu tư kinh doanh: “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Khi góp ý về quy định này, có ý kiến đại biểu cho rằng, vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia có phạm vi rất rộng, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để xác định và giải quyết đối với dự án bị đình chỉ đầu tư kinh doanh do có hoạt động gây phương hại đến quốc phòng, an ninh.
Giải trình về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định trên phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, kinh nghiệm quốc tế và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.

Tỷ lệ đại biểu nhất trí thông qua dự án luật Đầu tư (sửa đổi)

Ảnh Lê Hiệp

Để thực hiện chính sách trên, dự án luật đã bổ sung nhiều quy định về quốc phòng, an ninh quốc gia, xác định thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Trong đó, quy định chỉ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (khoản 3 điều 47); qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Cũng tại dự án luật được thông qua, tại điều 9 - “Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”, quy định Chính phủ sẽ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, trả lời kiến nghị của cử tri Bến Tre về thu hút đầu tư có chọn lọc để giữ đất cho an ninh - quốc phòng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết sẽ đề xuất bổ sung quy định “nhà đầu tư không được đăng ký, chấp thuận hoặc bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường” vào dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi).
Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng được đề xuất sửa theo hướng “nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng”.
Đề xuất bổ sung quy định về việc “dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh phải được chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.