Chỉ cần gõ từ khóa "làm bằng tiến sĩ (TS)" trên Google, người dùng sẽ nhận về hơn 76 triệu kết quả chỉ trong 0,27 giây với nhiều website hiển thị những lời rao có cánh như "làm bằng TS phôi chuẩn, bao công chứng" hay "nhanh chóng, an toàn, bao rẻ". Trên các mạng xã hội như Facebook, hiện tượng này cũng diễn ra tương tự, cả trên các fanpage lẫn hội nhóm.
Chi vài triệu đồng là có bằng tiến sĩ: Trường đại học nói gì?
CAM KẾT NHẬP THÔNG TIN LÊN HỆ THỐNG CỦA TRƯỜNG
Thực tế trên phản ánh một thị trường làm giả bằng cấp đang diễn ra rầm rộ, công khai trên internet. Điều này đặc biệt gây bức xúc khi gần đây vụ việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng TS giả để tham gia giảng dạy, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và thử việc ở hàng loạt trường CĐ, ĐH tại TP.HCM và một trường ĐH tại Nha Trang trong nhiều năm qua khiến dư luận xôn xao.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đóng vai một người muốn làm bằng TS giả ngành công nghệ thông tin để liên hệ với tài khoản tên Q., người tự giới thiệu là "đầu mối" liên lạc của nhiều website nhận làm bằng giả. Tại đây, Q. cho biết có thể làm giả bằng từ trung cấp, CĐ, ĐH đến sau ĐH như thạc sĩ, TS. Cụ thể, bằng cử nhân giả có giá 4 triệu đồng, còn ở bậc TS là 15 triệu đồng và ngành nào, trường nào cũng có thể làm giả được.
Cũng theo Q., mỗi gói gồm 1 bằng "thật" và 3 bản sao có công chứng, nhưng không có bảng điểm. "Bên anh làm 4 - 5 ngày là nhận hàng, không cần đặt cọc, xin việc không lo nghĩ. Khi làm xong, anh ship COD (thu tiền hộ), em nhận và thanh toán trực tiếp cho shipper. Bằng thật của trường tuồn ra, chữ ký sống, mộc sống, công chứng thoải mái", Q. nói chắc nịch, song từ chối cho xem ảnh mẫu để "bảo mật thông tin".
Chúng tôi cũng liên hệ với nhiều đối tượng khác tự giới thiệu có làm bằng giả. Nhìn chung, để làm được bằng giả, các đối tượng đều yêu cầu nội dung như nhau, gồm thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, dân tộc) và thông tin bằng cấp mong muốn (tên trường, ngành học, hình thức đào tạo, năm tốt nghiệp, xếp loại). Một số bên còn đề nghị khách hàng nộp ảnh thẻ, thậm chí là ảnh chụp CMND/CCCD để "làm tin".
Giá của các bằng TS được rao bán cũng đa dạng, mức cao nhất chúng tôi ghi nhận là 15 triệu đồng, còn mức thấp nhất rẻ hơn một nửa, chỉ... 6 triệu đồng cho một tấm bằng TS công nghệ thông tin tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), kèm lời hứa thông tin bằng cấp của khách hàng cũng được nhập lên hệ thống của trường. "Chủ yếu bạn có tiền làm không, chứ bằng nào cũng có", tài khoản Zalo tên P.H, chủ một trang fanpage chuyên làm bằng giả, khẳng định.
Cũng theo P.H, đi kèm bằng còn có 3 hồ sơ công chứng tại TP.HCM. Để tạo niềm tin, người này sau đó gửi cho chúng tôi một loạt minh chứng khác nhau, như ảnh chụp màn hình các khách hàng khác đánh giá tốt dịch vụ. Đáng chú ý, trong số đó còn có ảnh con dấu giả của Bộ GD-ĐT. "Giá của tôi là cũng đỡ lắm rồi. Một ngày tôi nhắn nhiều khách lắm, bạn làm thì anh em mình chốt thôi", P.H liên tục thúc giục.
Còn tài khoản A.L, chuyên nhận làm các loại bằng cấp không cần đặt cọc, thì cho biết bằng giả được làm từ phôi gốc, có "mộc sống, chữ ký sống, dấu đóng tem xịn 7 màu của Bộ GD-ĐT, so với thật là 99%". Một đối tượng khác thì cam kết có thể làm bằng giả "chuẩn 100%, bao đẹp, kiểm tra đúng mới thanh toán".
BẰNG TS DANH DỰ NƯỚC NGOÀI CŨNG... "MUA" ĐƯỢC
Không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước, người học còn có thể "mua" được bằng TS danh dự (danh hiệu mang ý nghĩa tượng trưng, được trường ĐH trao cho những cá nhân có đóng góp nổi bật - PV) từ những tổ chức ở nước ngoài. Nhiều công ty thậm chí đặt tên có cụm university (trường ĐH) để đánh lận con đen, từ đó thu hút khách hàng.
Chẳng hạn, trên website của công ty có tên "California Church and University Institute" (Mỹ), khách hàng có thể chọn nhiều sản phẩm khác nhau từ chứng chỉ đào tạo nghề đến bằng ĐH. Và nếu muốn có bằng TS danh dự đề tên "trường" này, khách hàng chỉ cần chi tối thiểu 35 euro (1 triệu đồng) để được nhận bản chính tiếng Anh cùng bản dịch sang tiếng Việt có công chứng từ "công chứng viên được chính phủ công nhận".
Một thủ đoạn tinh vi hơn là kêu gọi trả phí bằng cách quyên góp, như "International University of Interfaith Morality" (Mỹ). Cụ thể, ứng viên sẽ khai thông tin cá nhân theo mẫu để được "hội đồng danh dự" xem xét. Nếu đáp ứng các tiêu chí được đề ra và muốn bằng chuyển đến tận nhà, ứng viên phải quyên góp một mức nhất định. "Tối thiểu 2.000 USD (48 triệu đồng) với bằng TS danh dự", thông báo nêu.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của chúng tôi, có đơn vị còn trực tiếp tìm kiếm khách hàng tại VN. Đó là "Maryland State University", tự giới thiệu là một trường ĐH đào tạo nghề (?) và giáo dục trực tuyến tại bang Maryland, Mỹ. Theo đó, trong thư gửi đến một số cá nhân, đơn vị này thông báo người được nhận thư đủ điều kiện nhận bằng TS danh dự. "Thông tin hồ sơ đề cử và thủ tục pháp lý xin liên hệ với đại diện của chúng tôi tại VN", đơn vị này cho hay.
Tuy nhiên, khi tra cứu danh sách các trường công lập và tư thục tại bang Maryland, chúng tôi không tìm thấy trường ĐH nào tên "Maryland State". Website của đơn vị này cũng chỉ trình bày đơn giản, không nêu bất kỳ thông tin nào về chương trình đào tạo cũng như quy định tuyển sinh. Nhiều phần trên website còn gặp lỗi và phần nội dung về việc trao bằng TS danh dự thì được đặt ở một vị trí bắt mắt.
Tiến sĩ giả Nguyễn Trường Hải từng bị từ chối tuyển dụng vì… thiếu bằng đại học
Làm giả, thi hộ chứng chỉ quốc tế ?
Không dừng ở vấn đề bằng cấp, nhiều đối tượng sẵn sàng làm giả các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC. Chẳng hạn, Q. báo giá chứng chỉ IELTS có điểm tổng dưới 6.0 là 5 triệu đồng, trên mức này là 7 triệu đồng. Đối với chứng chỉ TOEIC, chi phí lần lượt là 4 hoặc 5 triệu đồng nếu dưới hoặc trên 600 điểm. "Còn giá cho chứng chỉ tiếng Anh từ bậc A1 đến C2 là 2,5 triệu đồng/bằng", tài khoản này tiết lộ.
Trong khi đó, tài khoản M.L cho biết chứng chỉ IELTS hay TOEIC làm giả đều đồng giá 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải đặt cọc trước 1 triệu đồng. Một đơn vị khác thì bật mí chi phí của chứng chỉ giả IELTS là 4 - 7 triệu đồng, còn TOEIC là 4,5 - 6,5 triệu đồng, tùy số điểm khách hàng muốn đạt. "Phôi chuẩn được lấy từ IDP và Hội đồng Anh, có thể tra cứu thông tin văn bằng trên website", bên này giới thiệu.
Một hình thức khác được nhiều đơn vị quảng bá là "thi hộ bằng thật" các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, áp dụng cả thi giấy lẫn thi trên máy tính. Theo đó, các đối tượng sẽ đăng ký cho người thi hộ và khách hàng cùng thi ở một điểm thi với vị trí liền kề. Cả hai sẽ gặp nhau trước buổi thi một ngày. "Đến ngày thi, sau khi làm xong thủ tục và vào phòng thi, bạn chỉ cần ngồi lưu camera tầm 2 phút sẽ có giám thị là người của bên mình đến đổi chỗ để người thi hộ làm bài cho bạn", một tài khoản hướng dẫn.
Theo thông tin từ các trang rao tin thi hộ mà chúng tôi ghi nhận được, giá trọn gói để có chứng chỉ IELTS đạt số điểm tối thiểu 6.5 (mức trung bình được các trường ĐH quy định trong chuẩn đầu ra) dao dộng từ 25 - 33 triệu đồng và rẻ hơn nếu chọn thi TOEIC hoặc PTE. Nhiều trang tự nhận có giám thị phòng thi là "tay trong", hoặc "có liên kết với giám thị của trung tâm khảo thí", tất cả đều tại điểm thi của IDP.
Song, dù quá trình thi hộ giống nhau với kỹ năng nghe, đọc, viết nhưng với kỹ năng nói, mỗi đối tượng lại cung cấp một "giải pháp" khác nhau. Một đơn vị thì cho biết sẽ cấp chủ đề và câu hỏi của giám thị trước 2 ngày, yêu cầu chúng tôi phải tự thi vì liên quan đến micro ghi âm. Một tài khoản khác thì trấn an sẽ gặp chúng tôi một ngày trước buổi thi để trao đổi chủ đề, đến khi thi chỉ cần nói được vài câu, "còn lại bên mình sẽ có người hỗ trợ".
Bình luận (0)