Chị ve chai Sài Gòn tặng lại gạo cho quán cơm từ thiện: Câu chuyện sau tấm ảnh

Hoài Nhân
Hoài Nhân
22/01/2019 10:04 GMT+7

Một bức ảnh chụp cách đây 4 năm đã ghi lại hành động người phụ nữ bán ve chai mang gạo và chai dầu ăn đến tặng cho quán cơm từ thiện. Bức ảnh bỗng được chia sẻ trở lại trong những ngày cuối năm.

Những ngày qua, một bức ảnh kèm bài chú thích được đăng tải cách đây khá lâu, bỗng được chia sẻ trở lại trên mạng xã hội. Bài đăng có nội dung:
MÓN QUÀ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN VE CHAI

Chủ nhân bức ảnh chú thích: “Bức ảnh này chụp vào trưa ngày 13.01.2014 tại quán cơm chay Thiên Phước 5.000 đồng, địa chỉ 62 Nguyễn Chí Thanh, P.16, Q.11 (TP.HCM). Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói. Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó khác”.
Có lẽ đó là một trong những bức ảnh đẹp nhất về chân dung con người, trong hoàn cảnh đảo điên nhuộm nhoạm của xã hội ngày nay. Tôi cứ ngắm mãi khuôn mặt chị, đó là một người đàn bà chắc chắn đã trải qua rất nhiều khó khăn, đói khát. Một khuôn mặt điển hình của những người lao động vất vả ngoài đường.
Vậy mà trong khoảnh khắc ấy, chị thật đẹp. Vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong, từ hành động cao cả, nghĩ đến người khác, những người khó khăn hơn mình, nên dù nghèo, chị vẫn gom nhặt từng đồng tiền lẻ để mua bằng được một bao gạo con con, một chai dầu ăn mang đến quán.
[…] 
Quán cơm chay Thiên Phước của anh Trần Phước Hòa, nơi bức ảnh được chụp TRẦN PHƯỚC HÒA
Mở ra từ cuối năm 2013, quán cơm chay 5.000 đồng này đã trở thành "nguồn sống" của biết bao nhiêu người lao động nghèo TRẦN PHƯỚC HÒA
Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi khiến nhiều người xúc động, đồng thời cũng tò mò không biết người phụ nữ vẻ ngoài khắc khổ nhưng hành động lại đáng quý kia là ai? Và sau ngần ấy năm, đã có những điều tốt đẹp gì đến với bà hay chưa?
Liên hệ với chủ nhân bức ảnh, anh Trần Phước Hòa, chủ quán cơm chay Thiên Phước (Q.11, TP.HCM) xác nhận, đây là một bức ảnh chụp anh và một người phụ nữ làm nghề bán ve chai. Hình ảnh được ghi lại tại quán cơm chay Thiên Phước, một trong số những hoạt động từ thiện mà anh Hòa duy trì suốt nhiều năm qua. Mỗi phần cơm đầy ắp tại đây chỉ có giá 5.000 đồng, với tấm biển hiệu khiến người ta ấm lòng: Quán dành cho người lao động có thu nhập chưa cao.
“Bức ảnh đó chụp ở quán cách đây đã 4 năm, không hiểu vì sao giờ đây lại được chia sẻ trở lại. Có lẽ vì tình người dù có qua bao nhiêu thời gian cũng đẹp đẽ như vậy! Cho tới bây giờ bà ấy vẫn còn đi mua ve chai, thỉnh thoảng vẫn ghé đây ăn cơm và đóng góp gạo, thức ăn ủng hộ hoạt động của quán”, anh Hòa cho biết.

Hơn 20 năm rong ruổi khắp Sài Gòn

Tìm gặp người phụ nữ có hành động đẹp trong bức ảnh, vẫn thấy bà rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để thu mua ve chai. Bà là Trần Quế Phương (SN 1955, quê Vĩnh Long), hiện đang được hỗ trợ ở thuê trong căn phòng nhỏ trên tầng thượng một chung cư ở Q.5.
Nhân vật chính trong bức ảnh - bà Trần Quế Phương - vẫn còn làm nghề ve chai HOÀI NHÂN
 
Vẫn dáng người khắc khổ ấy, người đàn bà vẫn rong ruổi khắp nơi mưu sinh HOÀI NHÂN
 
Bà Phương năm nay đã bước sang tuổi 64 HOÀI NHÂN
Năm 23 tuổi, bà Phương lấy chồng, rồi khăn gói lên TP.HCM mưu sinh. Bà chật vật với đủ nghề để kiếm sống, từ rửa chén, giặt đồ, ai kêu gì làm nấy. Rồi bà đi nhặt ve chai. Vốn tính thật thà, buôn bán đâu ra đó, bà được nhiều người quý mến và trở thành “mối”, hễ ai có ve chai là điện thoại kêu bà.
“Ba đứa con đều đã lập gia đình, tụi nó cũng cho tiền này kia nhưng tôi ít khi lấy. Đứa nào cũng cần có cuộc sống riêng, mà chúng cũng đâu có dư dả gì. Thôi mình còn sức thì tự làm tự ăn. Tôi đang ở với chồng và gia đình thằng con trai đầu. Ổng năm nay cũng đã gần 70 tuổi rồi”, bà Phương chia sẻ.
Đều đặn mỗi sáng, bà Phương lại đẩy chiếc xe cũ kỹ của mình đi thu mua ve chai. Hễ xe đầy bà lại về vựa trên đường Lò Siêu (Q.11) rồi đi tiếp. Trưa, bà lại đến một địa điểm từ thiện trên đường Hà Tôn Quyền (Q.11) để ngồi nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu miễn phí cùng những người lao động nghèo khác. Sau đó bà lại tiếp tục làm việc đến tận 7 - 8 giờ tối mới về nhà. Hành trình ấy đã kéo dài suốt 20 năm nay.
Mấy mươi năm chật vật ở Sài thành, bà Phương đã nuôi 3 người con khôn lớn HOÀI NHÂN
Bà vẫn thường nghẹn giọng khi nhắc về câu chuyện đời gian truân HOÀI NHÂN
"Con cái đứa nào cũng cần có cuộc sống riêng. Mình còn sức thì tự làm tự ăn", bà Phương bộc bạch HOÀI NHÂN
“Bữa chú Hòa mới nhắn, có người muốn giúp tôi một xe bánh mì, để ổn định thu nhập và đỡ vất vả hơn. Tôi cảm ơn rất nhiều, nhưng mà không có nhận. Mấy chục năm rồi, ngày nào cũng đi, giờ kêu ngồi một chỗ bứt rứt không chịu nổi đâu. Đẩy xe đi vầy chứ vận động luôn, khỏe người lắm, ngồi một chỗ là bệnh lên bệnh xuống liền. Vả lại, cũng để suất đó giúp cho người khó khăn, nghèo khổ hơn”, bà Phương bộc bạch.

Bỏ ống heo để làm từ thiện

Từ gánh ve chai ban đầu, bà dành dụm mua được chiếc xe ba gác cũ để đi làm. “Bữa nào nhiều cũng kiếm được trăm mấy, bữa nào ít thì vài chục. Nhưng cỡ nào tôi cũng bỏ ống heo, mỗi ngày không được mười mấy nghìn thì cũng ráng vài ba nghìn, để dành làm từ thiện. Nhìn lên thì thôi, chứ nhìn xuống có nhiều người còn khó khăn hơn cả mình”, bà nói.
Có người ngỏ ý giúp đỡ một xe bán bánh mì để bà bớt vất vả, bà từ chối, để dành cho những người kém may mắn hơn HOÀI NHÂN
Công việc ve chai thu nhập bấp bênh, nhưng bà vẫn chắt mót từng đồng dư để làm từ thiện HOÀI NHÂN

Mỗi lần “mổ” heo, bà lại gom tiền để làm từ thiện. Đều đặn vào tháng 7 hằng năm, bà vẫn mua 50 kg gạo góp cho một ngôi chùa ở Q.8. Bà cũng thường xuyên gom góp áo quần người ta cho, mua gạo, bánh, dầu ăn… để góp cho các hoạt động hỗ trợ người nghèo.
Bức ảnh chụp năm 2014 ở quán cơm chay Thiên Phước là một lần bà giúp đỡ quán ăn này.
“Hôm đó là trước Tết Nguyên đán, tôi mang đến một bao gạo 10 kg và một chai dầu ăn gửi cho chú Hòa. Nhờ quán cơm 5.000 của chú mà tôi và biết bao nhiêu anh chị em lao động nghèo khác được bữa no. Cho nên dư dả chút đồng nào thì mình giúp lại đồng ấy, để cho người khổ hơn mình chứ! Chết mình cũng có mang gì theo được đâu”, bà chia sẻ.
Anh Hòa cũng cho biết: “Không chỉ có bà Phương đâu, mà nhiều cô chú lao động nghèo khác sau khi ăn cơm ở quán, cũng quay lại giúp đỡ rất nhiều. Có khi là bao gạo, có khi là đường, muối, đồ ăn, có khi lại góp công nấu nướng. Họ có thu nhập không cao, nhưng hành động của họ thì cao cả như thế”.
"Sống nay chết mai. Chết cũng có mang theo được gì đâu. Vậy nên bây giờ mình cứ cho đi", bà Phương nói HOÀI NHÂN
Công việc vất vả của bà kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt HOÀI NHÂN
Bà Phương nói, Tết này bà chẳng mong ước gì hơn là có thật nhiều sức khỏe. “Vừa qua tôi bị bệnh phổi một lần, ho khan nhiều ngày liền, thậm chí không thở được. May sao đi khám vẫn chưa nặng lắm, trị một thời gian thì khỏe, nhưng rồi thấy sợ luôn. Đến tuổi này, tôi chỉ mong khỏe mạnh. Có tiền mà bệnh tật thì bao nhiêu cũng hết, cho nên có sức khỏe là có tất cả. Khỏe để mình đi làm, để còn nuôi mình và giúp đỡ người khác”, bà bộc bạch. 
Bà Phương chẳng mong gì hơn ngoài sức khỏe HOÀI NHÂN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.