Trong lúc tôi vừa trả lời vừa cố nhìn mái tóc và hàng móng tay lạ thì chị Hồng hối thằng Hưng chuyển cái ghế nhựa qua cho anh Huy ngồi chơi. Chị mặc một chiếc áo cánh mỏng, để lộ cả vùng vai và đôi cánh tay thon thả, trắng mịn. Dường như việc có một đứa con và thêm mấy tuổi vào đời người đối với chị không là gì cả. Chị Hồng vẫn đẹp như xưa, như người ta thường khen và tôi từng ngưỡng mộ. Không đợi tôi hỏi, chị nhanh miệng: "Chị mới về trưa nay, trời nắng nóng quá và chị còn mỏi mệt nên chưa qua thăm bên nhà em được. Nắng tháng tám nám trái bòng". Từ tỉnh lộ, chị phải băng bộ theo một đoạn đường đất vòng vèo rồi mới qua sông, về xóm. Đất khô xốp, cỏ cháy đang trân mình chờ mưa. Thật khó mà phát hiện người khách lạ giữa trưa đứng bóng ấy lại là chị Hồng, người con gái đẹp nổi tiếng của xứ Cây Thị từ nhiều năm trước. Chị chưa vội qua sông mà đứng nhìn quanh một lát. Sao nắng chấp chới trên bầu trời thênh thang trong vắt. Mắt chị dừng lại lâu hơn chỗ bãi đá ngầm từng xăn quần lội bắt ốc, mình trần tắm mát giữa trưa. Cuộc sống xa quê bầm dập có thể đã khiến chị quên đi nhiều thứ, nhưng có thứ lại càng được khắc đậm. Có lần, vô tình đọc được câu thơ của ai đó, chị đã giật mình, lập tức vùng dậy, muốn rời bỏ căn phòng trọ chật chội, nóng bức để đón xe đò về quê: "Lâu lắm không được tắm sông/ Hóa ra lâu lắm mình không phải mình".
Không biết vì lối mòn vòng vèo dẫn xuống sông dốc đứng, cát dày hay vì hơi vội mà chị suýt bị trượt ngã, cái túi xách mang trên vai xọc xạch đập vào thân cây ổi bên lề. Cũng may là dù chấp chới suýt ngã, chị cũng đã kịp gượng giữ được thăng bằng. Sông mùa nắng nóng, cát trắng và đá đen nhiều hơn nước xanh trong. Chị chỉ cần kéo cao hai ống quần và tính toán được những bước chân dài ngắn phù hợp là có thể lướt đá sang sông dễ dàng. Qua sông rồi mà chị vẫn ngoảnh lại như một thói quen, mặc dầu chỉ có tiếng nước róc rách trườn qua khe đá, tiếng gió rì rào vờn cùng lùm cây xơ xác.
Vẫn cứ tần ngần ngoảnh lại, nhưng rồi sau đó chị quắn quíu bước nhanh về phía xóm Lò Rèn, như có ai đó đang đuổi theo sau, hay một lực hút nào đó kéo chân từ phía trước. Trưa vắng, không một bóng người, ngoại trừ bóng chị chênh chao trên vành đồi chói nắng. Cỏ xém lá không dám ngước nhìn chị, cho đến khi cái dáng thon don ấy mất hút vào hàng tre oằn cong sát mặt đất. Hình như chỉ có tôi trông thấy chị về khi đang đung đưa trên chiếc võng treo ngoài vườn mít. Mà tôi cũng chỉ nghĩ đến một người khách lạ nào đó, hoàn toàn không nghĩ đó lại là chị Hồng,
Sáng hôm sau, cả xóm Lò Rèn rộn lên chuyện chị Hồng về quê. Ở quán nhậu, quán cà phê, tiệm tạp hóa, thậm chí dưới đồng, trên rừng… người ta có dịp nhắc lại, suy đoán và phóng dựng đủ thứ chuyện xưa nay về chị. Nó về được như thế là quý, cứ tưởng đã bỏ làng, bỏ mẹ, bỏ con đi luôn rồi. Ờ… mà sống ở phố quen rồi, chắc chi con Hồng lại chịu về lại đây. Thấy tóc da, quần áo đến tay chân cũng lạ lẫm khác xưa. Thử hỏi, xóm mình giờ có ai tóc hoe vàng, móng tay đỏ chót như nó đâu. Ngựa quen đường cũ rồi, đố mà nó chịu lên rừng đốn củi hay xuống sông bắt ốc như hồi xưa. Con này tính khí lại thất thường, quyết đoán và bướng bỉnh. Nó dám giao con dại cho mẹ già, đành đoạn ra đi là đủ biết rồi. Nhớ hồi đó, việc nó bỏ làng ra đi chẳng khác nào một trận động đất làm rung lắc cả vùng trung du rộng lớn. Không ai nghĩ nó lại gan dạ đến thế.
Ông Thanh, vừa là bà con xa, vừa là láng giềng gần cao tuổi, từ tốn nhấp chén trà: "Nghĩ cũng tội nó chứ, hồi đó mà ở lại làng thì biết chui trốn vào đâu, nói chi đến làm ăn nuôi con. Nó như thế cũng là bản lĩnh. Cái thứ không chồng mà chửa thời đó chẳng khác chi con hủi, xóm làng né tránh đã đành, lại còn thấy mặt là đàm tiếu đủ thứ chuyện lớn nhỏ trên trời dưới đất. Con Hồng đẹp gái, trai làng khối thằng mê, mà mê không lấy được lại muốn khuấy cho hôi. Hồi đó đã có thơ xóm làng xỉa xói nó, nghe mà cười chảy nước mắt: "Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Ham chi cỏ tốt mà ra đồng người/ Chỉ vì mê đống vàng mười/ Đến khi sưng bụng khóc cười một thân".
- Một thân chi nó mà một thân - Chú Sáu chen vào - Nó giả bộ bỏ làng ra đi để theo thằng khác đó thôi. Nghe nói vô trong Nam nó vừa làm thuê vừa làm vợ nhỏ cho cha nhà giàu nào đó già hơn gần hai mươi tuổi. Con gái thời ni rứa đó, tiến bộ chứ không như ông bà ta xưa, muốn bỏ nhau là bỏ cái rẹt, không sợ thiên hạ dị nghị, cũng không chấp nhận cảnh cắn răng cam chịu cho đến chết. Theo chân con Hồng, sau này khối đứa làng trên Thuận An, xóm dưới Trầm Tây cũng lẹ làng bỏ xứ ra đi, ở đâu và làm gì chẳng ai biết. Chỉ thấy thỉnh thoảng chúng gửi tiền về lo ngày giỗ chạp, đám tang, đám cưới… Rứa cũng quý rồi, còn hơn thân ngâm đồng sâu, xác phơi đồi cạn mà làm ăn cả năm không dư được đồng nào. Nghe nói con Hồng cũng hay gửi tiền về chừng chừng để nuôi mẹ già, con dại.
Lão trưởng tộc Trần, quản cái gia phả có mang tên Trần Thị Hồng thì lắc đầu: "Nói chi thì nói, có tiền ra tiền vào như nước chảy cũng không thể chấp nhận được loại con gái chưa sạch dãi mũi đã theo trai, rồi chửa hoang, rồi bỏ mặc mẹ con đi biệt. Tộc họ có một đứa gái mất nết như vậy thì thật là xấu hổ, gia đình có một đứa con hư thân như vậy thì cha mẹ có ăn ngon ngủ yên chi nổi. Nói thật với bà con, mỗi lần nhắc đến con Hồng tui nghe nhột gáy, ngứa mũi quá đi. Đã mấy lần tui ghé nhà mẹ nó, khuyên bà nên bảo nó về làm ăn lương thiện trở lại để nuôi con. Người đời ai chẳng một lần sai lầm, nhưng biết sửa sai thì mọi chuyện rồi sẽ chóng quên, người đời sẽ dễ thông cảm. Thứ con gái đã không chồng mà chửa, lại còn bỏ xứ ra đi thì ai mà chịu nổi…".
xxx
Vầng trăng quê khuyết đi một nửa. Nửa kia không biết đang lang thang nơi đâu? Tôi nhớ cũng dưới ánh trăng quê khi tròn khi khuyết ấy, chị Hồng đã tập cho đám trẻ trong xóm hát những câu ngọt ngào như mía đường: "Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm… Em thương anh không kể giàu nghèo, miễn rằng tình đậm sơn keo, sông sâu anh cũng lội, vạn đèo anh cũng qua…". Giọng chị Hồng trong vắt, lại thêm nụ cười rất tươi. Tôi nhớ nhất là mái tóc dài thơm mùi bồ kết của chị. Mỗi lần đứng gần chị, cái mùi lừng lựng chất quê ấy cứ làm tôi nghe như đang lâng lâng, khó mà giữ nhịp cho câu hát. Không phải là đứa hát hay, cũng không nằm trong đội văn nghệ thiếu nhi của làng nên tôi ít được chị Hồng chăm sóc như các bạn khác. Nhiều lúc nghe tưng tức nhưng biết nói cùng ai đây?
Chỉ có dạo một mình dưới ánh trăng quê mới cảm nhận hết cái nhẹ hẫng của đêm. Lại thêm nỗi vui của lòng là tí nữa đây tôi sẽ được gặp chị Hồng, tha hồ mà quan sát, tìm hiểu. Thích nhất là khởi đầu cho ngày mai, tôi sẽ có đủ uy tín và tư thế để đường đường nói về chị Hồng, về những ẩn khuất, hoài nghi mà dân làng thường bàn tán. Mải suy nghĩ, tôi đã qua khỏi ngõ nhà chị Hồng từ lúc nào mà chẳng hay biết. Hàng tre vẫn quen, con đường vẫn quen mà không có tiếng ai quen quen gọi lại: "Thằng Huy đó hả, sao không vào nhà chơi mà lơ ngơ chi ngoài đó?". Căn nhà vách đất của thím Hai cũng không còn tấm cửa tranh mở toang hoác để trong ngoài dễ nhìn thấy nhau. Chị Hồng chắc giờ này đang quấn quýt bên mẹ và con?
Vắng quá, nghe buồn buồn tôi định quay về thì thấy thằng Hưng, con chị Hồng đang đùa vui với chú mèo tam thể ra tận ngoài sân. Tôi nhanh miệng: "Hưng ơi, anh Huy đây, Hưng ơi…". Hưng - thằng bạn nhỏ xíu, thằng em cùng xóm, đi học cùng đường với tôi, mừng rơn: "A… anh Huy…!".
"Chừ em đã qua thì ngồi xuống đây, chị lấy quà miền Nam ra ăn cho vui", giọng chị Hồng pha chút Nam bộ nghe vừa lạ lạ vừa hay hay.
Đĩa chôm chôm và đĩa bưởi Nam bộ, rồi chén muối ớt xanh giã nhỏ được mang ra đặt lên cái bàn cũ kỹ có vài vết đen bám lâu ngày. Chị vừa làm vừa luôn miệng nói. Giọng chị khỏe, tác phong vẻ như nhanh nhạy hơn hồi còn ở quê. Màu hồng nhạt của những múi bưởi trùng với màu móng tay chị từng được dân làng nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Tôi không cần nhìn lén và chị cũng không cần giấu giếm. Chuyện bắt đầu bằng việc gửi gắm thằng Hưng cho tôi. "Em Hưng giờ cũng đã lớn rồi, ở nhà nhờ bà, đi ra nhờ bạn. Huy như là anh, cũng vừa là bạn hàng xóm, cùng trường, cùng đường đi học, có gì em giúp Hưng cho chị với nhé, nhất là việc học. Chị biết ơn em, mai này vào Sài Gòn học chị bù lại cho…". Rồi chị kể nhiều chuyện ở quê hồi xưa, Nam bộ bây giờ. Có những chuyện tôi chưa kịp hỏi, những chuyện đã nghe mang máng đâu đó rồi, nhưng tất cả đều như mới, đều hấp dẫn như khi nghe cô giáo kể chuyện. Có phải chị Hồng đang khao khát được kể, còn tôi thì khao khát được nghe?
Đêm miền quê bao giờ cũng chóng khuya vắng hơn thành phố. Không còn ánh đèn dầu leo lét trong gió để tôi vừa nghe, vừa nhìn chị Hồng và tưởng tượng những gì mờ tỏ đằng sau mảng sáng tối chập chờn. Điện sáng như ban ngày. Bà Hai đã xuống nhà dưới nghỉ ngơi, còn lại dường như chỉ có tôi với chị, như hai chị em ruột từng sống với nhau từ hồi còn vọc đất, tắm mưa đến giờ. Thằng Hưng thân mật ôm tay tôi im lặng ngồi nghe. Càng về khuya, giọng chị Hồng như tiếng dế đang gáy ngoài vườn, trong thanh nhập vào đêm: "Hồi chị còn ở quê, thấy cái gì cũng rộng lớn, đồi cũng cao, sông Ly Ly cạn dòng vào mùa nắng cũng rộng. Giờ trải nghiệm nhiều, quen nhiều với đời sống của người Nam bộ, chị thấy mọi thứ đều nhỏ. Mình chỉ là một chấm nhỏ ở góc trời để nhìn, chứ không phải đứng chính giữa quả đất, nên dễ mở lòng ra để đón nhận và thương yêu, tha thứ. Em thử nghĩ, chị quên sao được một em Huy hàng xóm học giỏi nổi tiếng, thật thà nhưng nhút nhát, những người mẹ, người chị quê mình cả đời chỉ biết cam chịu, cánh đồng trước nhà nứt nẻ suốt mùa hè, ngập lụt cả mùa mưa, những người cha mình trần, ướt đẫm mồ hôi giữa trưa nắng nóng. Rồi nào là đàn gà lớn nhỏ về chật hoàng hôn, con ốc đá khe Cái khô rốc, thu mình nằm chờ mưa. Kể cả người đàn ông đã phản bội mình, chị vẫn nghe nửa hận mà nửa thương. Em cũng đã lớn rồi, dần dần chắc sẽ hiểu ra mọi chuyện...".
Thơ thẩn ra về với túi quà của chị Hồng gửi cho mẹ, tôi cứ mong sao sáng mai tại quán cà phê xóm ở ngã ba Sung Sướng người ta không còn tụ tập đông, bàn tán nhiều về chuyện chị Hồng nữa. Tôi sẽ đến đó thật sớm và sẽ không chịu im lặng ngồi nghe như mọi khi. Không phải vì lời chị Hồng đã hứa giúp tôi khi vào đại học, cũng không phải vì tóc chị hết thơm mùi bồ kết năm xưa. Chắc phần lớn là vì những gì tôi đã được nghe chị kể đêm nay. Cả những điều nghiệt ngã như nắng nóng miền Trung: "Chị về rồi lại đi. Mai cúng cơm cho cha xong, mốt chị vào lại. Vì công việc, không thể ở chơi lâu được đâu em". Rồi cả cái tương lai thân thiện mà thằng Hưng đã hé lộ với tôi chiều nay: "Anh Huy ơi, mẹ nói vài năm nữa, khi anh Huy vào đại học trong đó mẹ sẽ đưa em và bà ngoại vào luôn. Em muốn theo mẹ quá…". Tất cả đều đã làm tôi như lớn thêm được nhiều tuổi.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)