Tiền có mua được hạnh phúc? Đó là một trong những câu hỏi luôn hiện diện trong tâm trí con người và hai khôi nguyên Nobel Kinh tế cho rằng họ đã phần nào tìm được câu trả lời.
Khi kinh tế gia Angus Deaton được vinh danh trong buổi trao giải thưởng Nobel Kinh tế 2015 tại Stockholm, Thụy Điển, khám phá về tiêu dùng và tác động đến phúc lợi xã hội không phải là đề tài được dư luận chú ý nhất, dù đây chính là công trình giúp giáo sư người Mỹ gốc Anh nhận giải thưởng cao quý. Thay vào đó, nhiều người quan tâm hơn đến một nghiên cứu từ vài năm trước đã được Deaton hợp tác xây dựng với đồng nghiệp Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2002. Sự cộng tác của hai bộ óc hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế nhằm tìm kiếm mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc.
Tiền bạc dưới lăng kính Nobel
Đại đa số đều cho rằng tốt nhất là kiếm càng nhiều tiền càng tốt, nhưng chủ nhân của giải Nobel Kinh tế năm nay cho rằng ông và đồng sự Kahneman đã tìm ra bí quyết giúp cân bằng giữa tiền bạc và hạnh phúc. Theo lập luận của bộ đôi giáo sư Princeton, đối với người dân Mỹ, thu nhập khoảng 75.000 USD/năm là “ngưỡng vui vẻ” cho mỗi hộ gia đình. Để đưa ra con số trên, họ đã tiến hành phân tích 450.000 phản hồi thông qua cuộc khảo sát quy mô mang tên Chỉ số Well-Being Gallup-Healthways do Tổ chức Gallup thực hiện.
Theo hai chuyên gia, có tới hai dạng hạnh phúc. Đầu tiên là sự mãn nguyện thường nhật, thông qua các trải nghiệm đủ loại cung bậc cảm xúc mỗi ngày, từ niềm vui, nỗi buồn, sự giận dữ, niềm yêu mến ai hoặc vật nào đó. Loại hạnh phúc thứ hai được gọi là cảm nhận về cuộc sống, chỉ quan điểm về cuộc sống của mỗi người khi nghĩ về nó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tiền bạc có tác động đến từng dạng hạnh phúc theo cách khác nhau. Độ mãn nguyện thường nhật liên tục gia tăng khi thu nhập hộ gia đình tiến dần đến mốc 75.000 USD, nhưng bắt đầu giảm sau khi vượt qua mức này. “Có lẽ 75.000 USD là ngưỡng tới hạn và khi vượt qua mốc này, thu nhập đã không còn đủ sức cải thiện năng lực của các cá nhân để họ có thể làm được những điều giúp bản thân cảm thấy hạnh phúc, chẳng hạn như dành thời gian với những người yêu dấu, tránh được đau đớn và bệnh tật, hưởng thụ thời gian nhàn nhã…”, theo các tác giả.
Daniel Kahneman - Ảnh: newsmax
|
Ngược lại, niềm hạnh phúc thông qua “cảm nhận về cuộc sống” gia tăng song hành cùng thu nhập, có nghĩa là một người kiếm được 250.000 USD/năm sẽ thỏa mãn hơn so với người thu nhập tầm 100.000 USD. “Thu nhập vượt mốc 75.000 USD không tác động tích cực đến trạng thái mỗi ngày nhưng họ sẽ cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn những người xung quanh”, Giáo sư Deaton trình bày trên chuyên san PNAS. “Là một nhà kinh tế học, tôi có khuynh hướng cho rằng tiền bạc thì tốt cho mọi người, và thật sự hài lòng khi tìm được một vài chứng cứ chứng minh được điều đó”, ông nhận định.
“Liệu tiền bạc có mua được hạnh phúc” là câu hỏi xuất hiện thường trực trong các cuộc tranh luận của mọi tầng lớp, từ giới bình dân đến các học giả. Đặc biệt, nhiều khi các bên tham gia phải tranh luận đến nổ phổi nhưng cũng không đạt được câu trả lời đồng thuận rằng “có” hoặc “không”. Đối với hai tác giả Deaton và Kahneman, không cần phải có nhiều tiền mới hạnh phúc, nhưng túi rỗng hoặc ít tiền có thể đẩy con người vào tình trạng bị tổn thương về mặt cảm xúc. Giống như dân gian Việt Nam thường có câu: “Nghèo không phải là cái tội nhưng là cái nhục”.
Trí tuệ - đường đến hạnh phúc
|
|
Thế nên, với ý niệm tương đối, người ta thấy hạnh phúc khi có được những gì mình muốn. Nhưng sự muốn của con người luôn thay đổi tùy vào hoàn cảnh xã hội, nhu cầu của bản thân mà những điều này lại luôn hành động. Xã hội luôn động, luôn tiến triển, nhu cầu bản thân thì luôn thay đổi thế nên mong ước chưa chắc thành hiện thực dù là những điều đơn giản nhất. Ví dụ gần gũi nhất là người ta mơ ước có được chiếc điện thoại hiện đại nhất ngoài thị trường và sau một thời gian làm việc, tích lũy và cuối cùng mua được cái điện thoại ấy thì điện thoại đời kế cũng được ra đời…
Cuối cùng, dù nỗ lực của con người có đi nhanh hơn thay đổi xã hội, gặt hái được những gì mình mơ ước, có thể họ cảm thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy kéo dài được bao lâu? Khi đã đạt được thì mơ ước có còn đẹp nữa không? Có còn là niềm vui nữa không? Vì vậy, ý niệm có được những gì mình muốn chưa hẳn là hạnh phúc vì con người không thấy được phía sau của mơ ước. Đó là chưa kể trường hợp ngoài sự thay đổi xã hội và môi trường, chính bản thân con người cũng thay đổi quan niệm trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
Vì vậy, tiến sĩ Châu Nhật Tân cho rằng trí tuệ mới giúp con người thực sự biết được thế nào là hạnh phúc, biết được điều gì, việc gì, người nào, môi trường nào mới có thể mang hạnh phúc lâu dài đến cho mình. Ông cũng khẳng định trí tuệ khác với thông minh. Sự thông minh cao lắm là có thể lập trình được công việc cần làm để có được hạnh phúc, tính toán được môi trường tiến hóa của xã hội, tính toán được những biến thiên tình cảm của con người. Trong khi đó, trí tuệ không chỉ là sự thấy được, tính được mà còn là nhận biết được những đột biến, những trái chiều, những nghịch lý không thuộc phạm vi lý tính. Hơn thế nữa, người có trí tuệ thì có thể điều chỉnh được bản thân để thỏa mãn với tất cả những gì hiện có, chưa có và sự mất mát. Thế nên, “với người có trí tuệ thì hoàn cảnh nào cũng là hoàn cảnh hạnh phúc”, ông kết luận.
Bình luận (0)