“Lần đầu tiên tụi tôi mới được tham gia những trò chơi mới lạ, hấp dẫn như vậy. Phái đoàn kỳ sau đến giao lưu nữa nha”, bệnh nhân Nguyễn Quốc Vượng (quê Khánh Hòa) đã nói như vậy khi đề cập chương trình dạy múa dân vũ và những trò chơi kỹ năng, do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam và Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16.3 vừa qua.
Sức hút từ trò chơi “ngồ ngộ”
Theo anh Quốc Vượng, ban đầu anh thấy những trò chơi này khá “ngộ” và chưa từng thấy bao giờ nên rất dè dặt. Tuy nhiên, khi thấy bạn bè trong khoa và những thầy cô ở trung tâm cùng chơi nên anh cũng tự tin dần.
8 giờ 30, khuôn viên Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định (H.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) rộn ràng hẳn lên với từng trận cười sảng khoái cùng những trò chơi khởi động vui nhộn.
|
9 giờ, những cán bộ, nhân viên y tế trẻ không còn khoác áo trắng mà là màu áo xanh của Đoàn Thanh niên cùng các bệnh nhân hào hứng với bài tập dân vũ đầu tiên mang tên Con vịt. Tiếp đó, nhiều bài dân vũ hấp dẫn khác được “tung ra”, như: Chú khỉ vui vẻ, Múa gối... Một số đoàn viên tranh thủ lấy máy điện thoại di động quay lại những bài múa trên, để sau này “ôn bài” khi tự tập luyện với nhau. Xen vào đó là những trò chơi cuốn hút, có ý nghĩa rèn luyện kỹ năng (sự kiên nhẫn, khéo léo, nhanh nhạy, tinh thần đồng đội...) và bồi đắp thêm những giá trị sống.
Giới thiệu trò chơi Bữa cơm gia đình, anh Phan Thành Hổ, cán bộ Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, gửi gắm tâm tình: “Mỗi người cầm một sợi dây, giữ quả banh trên một cái mâm phẳng, tượng trưng cho mâm cơm gia đình. Chúng ta làm sao đừng để nó rơi xuống vỡ tan tành. Hơn nữa, các thành viên phải vượt qua nhiều chướng ngại vật, nên đừng vội vàng bước nhanh mà làm mâm cơm tan nát”. Qua vài lần thất bại, cuối cùng cả 4 nhóm đều giữ nguyên vẹn “mâm cơm gia đình” nhờ vào sự đồng lòng, giúp đỡ lẫn nhau.
Quên cả mệt
Gần 10 giờ 30, các bệnh nhân tiếc nuối trở về khoa vì đã đến giờ ăn cơm, uống thuốc. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế vẫn còn sung, tiếp tục tập một số bài dân vũ và tham gia trò chơi cho đến hơn 11 giờ trưa.
Y sĩ Dương Thị An (Khoa H - điều trị lao) kể rằng đêm qua là ca trực của chị nên sáng nay chị khá mệt. Tuy nhiên, sau khi tham gia các hoạt động, chị thấy phấn chấn hẳn lên. “Chương trình lạ, mới. Tụi mình học được nhiều kỹ năng bổ ích” - y sĩ An hồ hởi. Đặc biệt, cả 3 thành viên gia đình anh Hoàng Văn Đăng (điều dưỡng khoa B) đều có mặt. “Bình thường, tôi là người điềm đạm, ít nói. Khi tham gia những trò chơi rất đơn giản nhưng thoải mái này, tôi thấy rất vui, xả stress” - điều dưỡng Đăng bày tỏ.
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khi PV Báo Thanh Niên lên thăm Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, một cán bộ Đoàn ở đây bộc bạch rằng, các bạn rất muốn học thêm về dân vũ và một số trò chơi mới lạ để tổ chức sinh hoạt vui chơi giải trí cho bệnh nhân. Đã có một số đơn vị hứa sẽ hỗ trợ nhưng rồi không thấy trở lại. Qua sự kết nối của chúng tôi, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam sẵn sàng phối hợp tổ chức chương trình nói trên. 5 giờ sáng ngày 16.3, trên những chiếc xe gắn máy, chúng tôi vượt hơn 70 km từ TP.HCM đến với người bệnh và nhân viên ở đây.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách khối y tế Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định, cho hay nơi đây hiện chăm sóc gần 1.500 bệnh nhân tâm thần trên cả nước. “Đa số họ là bệnh nhân mãn tính, không có gia đình. Vì vậy chúng tôi rất cảm kích chương trình thiết thực do Báo Thanh Niên và Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam tổ chức”.
Như Lịch
>> Bệnh tâm thần và thói quen hút thuốc lá
>> Làm rõ “đường dây mua bán bệnh án tâm thần”
>> Cần Thơ triển khai đề án giúp đỡ người tâm thần
>> Người trẻ mắc chứng rối loạn tâm thần tăng
>> Hơn 8.300 tỉ đồng trợ giúp người tâm thần
>> Ngủ kém tăng nguy cơ bệnh tâm thần
>> Sự ngưỡng mộ tốt cho sức khỏe tâm thần
>> Tìm ra gien bệnh tâm thần phân liệt
Bình luận (0)