‘Chia tay đòi quà’, pháp luật quy định thế nào?

08/03/2021 14:20 GMT+7

Vấn đề tài sản chung và riêng trong thời kỳ hôn nhân luôn là vấn đề được các cặp vợ chồng quan tâm. Đã xảy ra không ít mâu thuẫn, tranh chấp vì câu chuyện 'chia tay đòi quà'.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao câu chuyện người chồng "chia tay đòi quà" khi đòi lại tiền thì mới chịu cho vợ mang theo đồ đạc, giấy tờ cá nhân sau khi hai người chia tay. Theo đó, các khoản tiền này gồm tiền ăn mỗi tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng), tiền khám chữa bệnh, tiền mừng cưới hai vợ chồng và 1 chỉ vàng cưới mẹ chồng cho con dâu, tổng cộng 42,6 triệu đồng.

"Biên bản bàn giao" liệt kê các khoản tiền đã trả hết, được cho là được lập, ký kết giữa chị H. và người chồng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Quy định về tài sản chung của vợ chồng

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Đỗ Trúc Lâm (đoàn LS TP.HCM) cho biết theo Điều 33 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 40 của luật này. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
LS Trúc Lâm còn cho biết thêm, tài sản mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Đồng thời, theo LS Bùi Quốc Tuấn, căn cứ vào Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân gia đình, thì tài sản chung của vợ chồng còn được quy định cụ thể: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên…. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của vợ, chồng;. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng.

Quy định về tài sản riêng của vợ, chồng

Theo LS Trúc Lâm, căn cứ vào Điều 43 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm: Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn. Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của luật này. Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 33 và Khoản 1, Điều 40 của Luật này. 
Ngoài ra, LS Tuấn cho biết, tài sản riêng khác của vợ, chồng còn được quy định tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân gia đình, cụ thể: Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
“Đối với những tài sản mà vợ, chồng được cho, tặng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, nếu có bằng chứng hợp pháp như hợp đồng tặng cho, chứng từ về phân chia di sản thừa kế, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với tài sản, và trước đó không có thỏa thuận để được coi là tài sản chung, thì sẽ được coi là tài sản riêng”, LS Tuấn lưu ý thêm.

Việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn 

LS Trúc Lâm cho biết, về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, căn cứ Điều 59 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng thì phía tòa án sẽ giải quyết theo quy định. Còn trong trường hợp hai bên có thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.
“Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng. Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này”, LS Trúc Lâm phân tích.
Liên quan đến câu chuyện "chia tay đòi quà", trong trường hợp cụ thể là vợ hoặc chồng đòi người còn lại trả thêm tài sản, theo LS Tuấn, đòi tài sản là quyền của vợ hoặc chồng nhưng không hòa giải (thỏa thuận) được thì tòa sẽ quyết định. Nguyên tắc là tài sản chung là chia đôi, LS Tuấn cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.