Sau ly hôn, con muốn ở với mẹ, tòa tuyên ở với cha: Hoãn phiên phúc thẩm

03/02/2021 12:49 GMT+7

Theo kháng nghị, cấp sơ thẩm tuyên thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, khi trẻ chưa đủ 16 tuổi với nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già, là chưa phù hợp.

Ngày 3.2, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ “tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Đ.H.T (61 tuổi, ngụ Hà Nội) và bị đơn là bà T.T.H (46 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Lý do hoãn phiên tòa, do vắng mặt luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía bị đơn.
Trước đó, phiên tòa này từng được đưa ra xét xử phúc thẩm nhưng đã tạm ngừng với lý do tình trạng sức khỏe mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa.

Con gái 11 tuổi chăm sóc cha già?

Theo bản án sơ thẩm (7.2019), ông T. và bà H. thuận tình ly hôn vào năm 2015, về con chung hai bên thỏa thuận giao bé L. (thời điểm này 14 tuổi) và bé A. (11 tuổi) cho bà H. trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo ông T., bà H. thường xuyên gây khó dễ khi ông đến thăm con và nói xấu ông với các con. Hiện, bà H. đã có người đàn ông khác gây ảnh hưởng đến sự giáo dục, phát triển của các con. Bà H. còn có thêm con thứ 3 nên không chăm sóc tốt được cho các con. Ông H. khẳng định mình có đủ điều kiện nuôi hai con, vì ở TP.HCM và Hà Nội đều có nhà riêng, hiện ông chưa có gia đình mới.
Phía bị đơn là bà H. trình bày không giao hai con lại cho ông T. chăm sóc, hiện các con được bà đang có cuộc sống ổn định với bà tại TP.HCM. Hai cháu đang ở tuổi dậy thì, nên bà không muốn cho ông T. trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại các biên bản hòa giải và lấy lời khai, hai bé L. và A. đều trình bày mong muốn được ở với mẹ tại TP.HCM.
Xét xử sơ thẩm, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX nhận định, bà H. có điều kiện nhưng phải chăm sóc, giáo dục cả 3 người con sẽ vất vả. Bà H. hiện đang sống cùng 3 con và người thân tại căn hộ ở Q.4, còn ông T. sống một mình, đã 61 tuổi nên nhu cầu về tình cảm cha con là có thật.
HĐXX xét thấy, việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái lúc nhỏ, con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp được quy định tại khoản 2 điều 70 Luật Hôn nhân gia đình. Vì vậy, HĐXX tuyên giao bé A. cho ông T. nuôi dưỡng.

VKS kháng nghị do tòa tuyên chưa phù hợp quyền trẻ em

Sau phiên sơ thẩm, ngày 12.8.2019, Viện KSND Q.4 (VKS) đã kháng nghị phúc thẩm bản án. Theo kháng nghị, phía nguyên đơn cho rằng bị đơn gây khó dễ khi ông đến thăm con, nói xấu ông… nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Theo VKS, cấp sơ thẩm tuyên giao bé A. cho ông T. nuôi dưỡng là chưa phù hợp, vì theo điều 60, Luật trẻ em, nếu trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa phải lấy ý kiến của trẻ; trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau. Mặc khác, hai cháu là con gái ở tuổi dậy thì và sống ổn định với mẹ, đột ngột thay đổi môi trường sống sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
Việc ông H. tự nhận thấy mình đã lớn tuổi và không đủ sức khỏe, cần con cái chăm sóc, đây là điều chứng minh ông không có khả năng chăm sóc hai bé tốt hơn phía bị đơn. Nhưng nếu sức khỏe ông vẫn ổn định, chưa cần ai phải chăm sóc thì khi nghĩ cho quyền và lợi ích của con, việc hai bé sống cùng mẹ sẽ được phát triển trong môi trường lành mạnh, ổn định.
Theo kháng nghị, hai bé còn ở độ tuổi là trẻ em (dưới 16 tuổi), tại điều 37 Luật trẻ em, “bổn phận của trẻ em đối với gia đình” là “học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em”, chứ không chỉ áp dụng Điều 70 của Luật Hôn nhân gia đình như thẩm phán nhận định.
Cũng theo VKS, việc TAND Q.4 tuyên xử chấp nhập một phần yêu cầu khởi kiện mà không xem xét đến nguyện vọng của hai cháu bé sau khi cah mẹ ly hôn là trái các quy định của Luật trẻ em và Luật hôn nhân gia đình. Vì vậy, VKS kháng nghị phúc thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.