Giám đốc thẩm tranh chấp hôn nhân giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Phan Thương
Phan Thương
02/11/2020 11:57 GMT+7

Viện KSND tối cao kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, để xét xử lại.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, trong đầu tháng 11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên giám đốc thẩm đối với vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (49 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Trước đó, tháng 3.2020, Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị HĐTP TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan, giao vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo quy định; tạm đình chỉ thi hành án đối với bản án phúc thẩm đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị theo đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Kháng nghị sau khi đã thi hành án xong bản án

Chiều 5.12.2019, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm đối với vụ án, tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ, sửa một phần bản án sơ thẩm.
Qua đó, HĐXX phúc thẩm ghi nhận sự công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ. Về nuôi con, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, giao bà Thảo trực tiếp nuôi con chung. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/4 người con/năm; thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Về phân chia 13 BĐS chung, giá trị khoảng 726 tỉ đồng, HĐXX phúc thẩm giữ nguyên nội dung án sơ thẩm, ghi nhận sự thỏa thuận của ông Vũ và bà Thảo, mỗi bên hưởng 50%. Do tại phiên tòa sơ thẩm, các bên thống nhất ai đang sở hữu và quản lý BĐS nào thì tiếp tục quản lý và sở hữu tài sản đó, nên bà Thảo tiếp tục sở hữu 7 BĐS, ông Vũ sở hữu 6 BĐS còn lại.
Đối với tỷ lệ phân chia cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung của vợ chồng tại 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo kháng cáo đề nghị chia theo tỷ lệ 50% - 50%; trong khi ông Vũ kháng cáo chia theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) - 30% (bà Thảo).
Tuy nhiên, cấp phúc thẩm y án sơ thẩm nội dung này, chia theo tỷ lệ 60% thuộc về ông Vũ, còn lại 40% là của bà Thảo. Đồng thời, cấp phúc thẩm cũng tuyên giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là tài sản chung, tương đương hơn 5.000 tỉ đồng; ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại số tiền tương đương 40% cho bà Thảo.
Ngoài ra, HĐXX tuyên giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo sở hữu toàn bộ khối tài sản là tiền, vàng, các ngoại tệ, tương đương 1.764 tỉ đồng nằm trong một số ngân hàng từ năm 2015 - 2016.
HĐXX phúc thẩm buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo hơn 1.200 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán này, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật. Ngày 13.1.2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thi hành xong bản án phúc thẩm. Đến ngày 14.1.2020, các bên đương sự nhận được quyết định hoãn thi hành án của Viện KSND tối cao. Tháng 3.2020, Viện KSND tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. 

Vì sao kháng nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm

Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung.
Đơn cử, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thảo xin được đoàn tụ với ông Vũ để bà cùng các con có cơ hội chăm sóc ông nhưng ông Vũ yêu cầu ly hôn, nên không còn là thuận tình ly hôn.
Về tài sản chung là 13 bất động sản - BĐS, các bên thống nhất cách chia, nhưng cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên giao bà Thảo “quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất” tại 7 BĐS là không đúng, mà phải giao cho bà Thảo quyền “sở hữu, quản lý, sử dụng” mới đúng.
Về cách chia tài sản chung là cổ phần, phần góp vốn, theo Viện KSND tối cao, cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên giao cho bà Thảo phần tiền tương đương tỉ lệ 40% cổ phần (trong cổ phần chung của 2 vợ chồng tại Tập đoàn Trung Nguyên – PV) là chưa đảm bảo quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh.
Về tài sản là VND, ngoại tệ, vàng gửi ngân hàng có giá trị hơn 1.700 tỉ đồng, theo Viện KSND tối cao, tòa sơ thẩm và phúc thẩm chia theo tỷ lệ 40% (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) - 60% (ông Đặng Lê Nguyên Vũ), nhưng không yêu cầu đương sự cung cấp căn cứ để tính ra số tiền trên là không có cơ sở vững chắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.